Dự báo kinh tế thế giới 'giảm tốc' tăng trưởng

Nhân viên làm việc tại một cơ sở tái chế ở thành phố Turin của Italia. Ảnh: Reuters

Báo cáo mới nhất do Viện Tài chính quốc tế (IIF) công bố cho hay, ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm 2023 sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm. Tính riêng trong quý III năm 2023, nợ chính phủ có mức tăng lớn nhất; nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19. Khoảng 65% số nợ tăng trong quý III tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức nợ công tăng mạnh. Đặc biệt là tại châu Âu, tỷ lệ công nợ đáng lo ngại, nhất là các quốc gia từng trải qua khủng hoảng nợ 10 năm trước như Tây Ban Nha, Italia...

Trong một chia sẻ với truyền thông quốc tế vào cuối tuần trước, Tổng Giám đốc ỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi Pháp, Tây Ban Nha và Italia cần “thắt lưng buộc bụng” và điều chỉnh tài chính để giải quyết tình trạng nợ và thâm hụt tài chính ngày càng tăng. Theo bà Georgieva, các quốc gia này cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết tình trạng nợ. Việc triển khai các biện pháp tài chính mạnh là cần thiết để ứng phó với đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thâm hụt ngân sách tăng cao. Bà Georgieva cảnh báo, vấn đề nợ ở Italia đã trở nên nghiêm trọng khi tốc độ tăng trưởng bị chậm lại do chính phủ nước này rút lại các biện pháp hỗ trợ chính sách.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển, báo cáo của IIF cảnh báo, tỷ lệ nợ trên GDP đang tăng và nợ xấu của các chính phủ đã lên tới mức kỷ lục. Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu ít thay đổi ở mức 333%, nhưng ở các thị trường mới nổi, tỷ lệ này đã lên tới 255%, cao hơn 32 điểm phần trăm so với cùng kỳ 5 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng nợ công của Nga, Trung Quốc, Arabia và Malaysia. Báo cáo của IIF cũng cảnh báo, nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD cho đến cuối năm 2022, trong đó, khoảng một nửa là nợ trái phiếu.

Theo các chuyên gia của IIF, điều đáng lo ngại hiện nay là nợ công có nguy cơ tiếp tục gia tăng, một phần nguyên nhân là do chính sách dân túy của một số chính phủ sau bầu cử. Theo ước tính từ giới chuyên gia, sẽ có hơn 50 cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024, trong đó có bầu cử tại Mỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.

Truyền thông quốc tế dẫn các bình luận từ giới chuyên gia cùng chung lo ngại rằng, trước sự phân cực chính trị và căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể dẫn tới việc xuất hiện các chính sách dân túy có thể được thực thi sau bầu cử. Điển hình trong đó là các chính sách nới lỏng kỷ luật tài chính, làm gia tăng khoản vay và chi tiêu của chính phủ... Những yếu tố này có nguy cơ cao làm gia tăng gánh nặng nợ công trên quy mô toàn cầu.

Cũng theo giới chuyên gia, ngoài việc nợ công tăng cao, gánh nặng nợ nần đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đang gia tăng, nhất là ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ. Nợ công và các loại nợ khác đã, đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến chính sách của nhiều quốc gia. Kéo theo đó là làm hạn chế các giải pháp kích cầu khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị chậm lại. Vấn đề nợ công được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến xấu trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, bất ổn an ninh, chính trị khó lường hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới. Từ đó, giới chuyên gia kinh tế quốc tế dự báo, trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chậm hơn nữa. Bởi giá năng lượng sẽ cao hơn, tốc độ tăng trưởng của hai “đầu tàu” kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc “giảm tốc”...

Thanh Trúc