Gian nan nuôi cá làm giàu ở biên giới Lai Châu

Bài 3: Hình thành các hợp tác xã làm ăn lớn

Từ mô hình nuôi cá hồi, cá tầm đầu tiên của BĐBP Châu ở vùng biên giới, đến nay, huyện Phong Thổ đã nhân rộng ra nhiều hợp tác xã, cơ sở nuôi cá hồi chuyên nghiệp, với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Qua đó, khẳng định được tiềm năng và lợi thế có thể khai thác trên dải biên cương rộng lớn.

Chúng tôi vào thăm trại nuôi cá hồi của Xí nghiệp 56 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2) tại xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ. Nhìn thấy một người đang xả nước trong hồ thấp xuống chuẩn bị bắt cá hồi lên xe ô tô bán tải chở đi bán, ghé vào hỏi chuyện, Thiếu tá Chu Văn Thứ, Đội trưởng Đội sản xuất - kinh doanh tổng hợp số 2, Xí nghiệp 56 chia sẻ: “Bên huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang cần lấy gần 3 tạ cá hồi, bây giờ đưa cá lên xe, 6 giờ tối, xe chạy đến khoảng 4 giờ sáng mai sẽ đến nơi. Đơn vị đã mở rộng thị trường bán cá đến thành phố Hà Nội, Hải Phòng... Qua nhiều năm làm có kinh nghiệm, thả giống cá nuôi theo cuốn chiếu để có cá thịt bán quanh năm, coi như đồng vốn luân chuyển mạnh, mình cũng có đồng vô đồng ra”.

Nhân viên Xí nghiệp 56 thu hoạch cá hồi. Ảnh: Hải Luận

Đầu tư tiền tỷ

Nhìn toàn bộ cơ sở nuôi cá của Xí nghiệp 56 có kết cấu và bố trí những bể nuôi giống như chỗ nuôi cá của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, BĐBP Lai Châu. “Năm 2008, BĐBP bắt đầu nuôi cá hồi phát triển tốt, mấy anh ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã nhiều lần đến trại xem mô hình. Chủ nhiệm Hậu cần của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đặt vấn đề nhờ anh em Biên phòng tư vấn cách làm bể, kỹ thuật nuôi cá hồi. Năm 2010, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 bắt đầu triển khai nuôi cá hồi” - Đại tá Bùi Trọng Lợi, nguyên Phó Giám đốc Học viện Biên phòng (phụ trách nuôi cá hồi giai đoạn đầu của BĐBP Lai Châu) thông tin.

Hiện nay, Xí nghiệp 56 có 10 bể nuôi cá, tổng thể tích 700m3, chủ yếu nuôi cá hồi, cá tầm. Cá được chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình, nguồn thức ăn đảm bảo nên sinh trưởng tốt. Mỗi năm cơ sở này thả nuôi từ 10.000-15.000 con giống cá hồi, cá tầm.

Mô hình nuôi cá hồi của BĐBP Lai Châu, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 đã kiểm nghiệm, chứng minh thực tiễn về nguồn nước, độ lạnh, môi trường... nuôi tốt cá hồi, cá tầm ở mấy xã biên giới huyện Phong Thổ. Năm 2016, có mấy người ở trong huyện liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vùng Cao huyện Phong Thổ, đặt cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm ở sát bên Xí nghiệp 56. Ngay giai đoạn đầu, HTX đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng hệ thống bể nuôi cá quy mô lớn.

“Gần như các bể nuôi cá của HTX đều đúc bằng bê tông cốt thép, đường ống cấp và thoát nước được chôn ngầm. Qua nhiều giai đoạn đầu tư, đến nay, HTX có 20 bể với tổng thể tích 2.500m3, chủ yếu nuôi cá hồi, cá tầm cung cấp thị trường cho các tỉnh miền Bắc, doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng” - bà Lâm Thị Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Vùng Cao chia sẻ thông tin.

Rời các cơ sở nuôi cá ở xã Tung Qua Lìn, tôi quay trở lại cơ sở nuôi cá của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, sử dụng máy chụp ảnh trên cao phát hiện ở dưới cách khoảng 200m có một cơ sở nuôi cá hồi rất lớn. Các anh ở Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải dẫn đi theo suối xuống tham quan, chiếc máy múc đang gầm rú đào lên những cục đá to tạo nên những hồ nuôi cá.

“Cơ sở này bắt đầu làm hồ từ năm 2019, họ đã đúc rút kinh nghiệm của những người nuôi cá hồi trước đó, khắc phục các lỗi kỹ thuật, tay chủ này cũng đầu tư “mạnh tay”. Ống dẫn nước lớn đặt trên cao, tạo áp lực nước chảy mạnh đẩy vào ao nuôi giống như vòi nước xe chữa cháy. Làm như thế này để tạo ra dòng chảy mạnh trong hồ, cung cấp nhiều oxy cho cá. Đây là kỹ thuật hàng đầu của nuôi cá hồi, lúc mới nuôi, anh em Biên phòng chưa nghĩ ra” - Thiếu tá Nghiêm Anh Tuấn, có thâm niên nuôi cá ở Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải trên 10 năm giải thích.

Toàn bộ vùng này có 23 hồ nuôi cá, trong đó có 10 hồ lớn đang nuôi cá với nhiều kích cỡ khác nhau. Ông Quang Trịnh, quản lý trại cá cho biết: “Toàn bộ số ao nuôi ở đây trải bằng bạt nhựa để giảm chi phí vốn đầu tư ban đầu. Nếu như đầu tư bằng bê tông cốt thép và xây bằng đá, số tiền có thể nhảy lên nhiều tỷ đồng. Thời gian vừa rồi, sản lượng cá thịt luôn đạt khoảng 10 tấn/năm, những cái ao đang làm khi đưa vào sử dụng hết công suất sẽ đạt đến 30 tấn/năm”.

“Ép cá” để hành quân xa

Tính từ năm 2008, BĐBP Lai Châu “nổ phát súng” nuôi cá hồi đầu tiên, đến hôm nay, huyện Phong Thổ đã có 4 HTX và 2 đơn vị Quân đội nuôi cá hồi, cá tầm. Chưa tính số hộ dân nuôi nhỏ lẻ. Gần như các cơ sở nuôi cá ở vùng biên giới Phong Thổ đều phải “nếm đòn” bị lỗ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, do lúc mới nuôi chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu hết quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên...

Cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm của HTX nông nghiệp Vùng Cao. Ảnh: Hải Luận

Ông Vũ Văn An, quản lý HTX nông nghiệp Vùng Cao nhớ đời bài học kinh nghiệm: “Theo quy trình, khoảng 4-7 ngày phải tắm cá bằng nước muối một lần (sử dụng muối tạo độ mặn hòa vào bể nuôi cá để loại bỏ vật ký sinh gây bệnh nằm trên da cá), vì sợ làm ban ngày trời nắng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, tôi thường làm vào lúc 3 giờ sáng. Một lần, tôi mở van ống xả nước thoát, đi một vòng kiểm tra các hồ khác rồi quay lại đóng van nước. Ai ngờ quên mất, đi vào nhà một lúc, sực nhớ, chạy ra xem thì toàn bộ cá bị thiếu oxy chết sạch, thiệt hại trên 300 triệu đồng”.

Lần khác, ông An mở van nước vệ sinh hồ cá lúc đêm khuya, do làm mệt, vào nhà nằm ngả lưng thì ngủ quên; đến sáng, ông An tỉnh dậy chạy ra xem thì cá đã chết trắng bể. Ông An kết luận: “2 lần sơ suất nó “đập” tôi hơn 600 triệu đồng, từ đó về sau, tôi không làm bất kỳ việc gì lúc đêm khuya, cứ chờ trời sáng mới làm. “Học phí” trong nuôi cá hồi, cá tầm ở nơi xa nó tính vào gia sản của mình. Nuôi được cá rồi, thu hoạch vận chuyển đi bán không “thuộc bài” cũng bị chết sạch như thường”.

Qua những “trận chiến sinh tử” đã rèn luyện cho những người nuôi cá ở biên giới Lai Châu xa xôi có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh. Hiện nay, cá hồi muốn vận chuyển đi các tỉnh bán, họ phải “ép cá” (không cho cá ăn) 3-7 ngày. “Kích cỡ cá hồi của trại tôi hiện nay đạt 2-2,4kg/con, sản lượng khoảng 2 tấn, đã “ép” được một tuần rồi, ngày mai, khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra mua. Vận chuyển cá sống bằng ô tô xuống đến sân bay Nội Bài, rồi chuyển sang gây mê cho “cá ngủ” để đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Cá về đến bể mới “đánh thức” cho tỉnh lại, bơm oxy thật mạnh vào bể chứa cá, rồi phân phối ra nhiều nhà hàng, siêu thị trong thành phố” - ông Quang Trịnh phân tích.

Theo ông Trịnh, phương pháp “ép cá” để trong đường tiêu hóa không còn thức ăn, giảm bớt mỡ. Cách làm này, người nuôi cá sẽ bị hao hụt từ 1-1,5 lạng/con, bù lại, cá vận chuyển đi từ biên giới về xuôi qua nhiều đèo cao, cua gấp khúc, độ rung lắc ở trong thùng đựng cá rất lớn, cá vẫn chịu đựng được. Ông Trịnh giãi bày: “Chủ nuôi cá hồi phải bảo đảm giao cho các đại lý thu mua ở thành phố sống được 3-5 ngày, để họ có thời gian bán hết cá. Nếu giao cá bị chết ngay thì người nuôi cá bị “cụt đường” đầu ra sản phẩm. Làm cá ở vùng biên giới thiệt thòi trở ngại về đường giao thông, giá bán cũng thấp hơn so với những nơi khác”.

Bài 4: Người vùng cao trong “canh bạc” lớn

Hải Luận