Giáo sư bỏ hào quang ở Mỹ, về nước tạo ra sản phẩm công nghệ mang tính đột phá

Giáo sư Chu Tùng Thuần sinh năm 1968 ở Ngạc Châu (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Từ nhỏ, anh đã đam mê công nghệ và mong muốn tương lai trở thành nhà khoa học. Năm 1977, Trung Quốc nối lại kỳ thi tuyển sinh đại học, lúc này, cậu bé mới học lớp 3 nhưng vẫn quyết tâm chăm chỉ để biến ước mơ thành hiện thực.

Với sự cố gắng không ngừng, sau khi hoàn thành chương trình THCS, Tùng Thuần là học sinh duy nhất của lớp đỗ vào Trường THPT Ngạc Châu (tỉnh Hồ Bắc). Năm 1986, anh thi đỗ khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Trong 4 năm đại học, Tùng Thuần nảy sinh hứng thú nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Ngoài tập trung học các môn chuyên ngành, nam sinh còn đăng ký khóa học về Mạng nơ-ron. Vào năm thứ ba đại học, anh viết thư cho GS phụ trách phòng thí nghiệm Khoa học Nhận thức thuộc khoa Sinh học của trường, để xin vào thực tập và nghiên cứu.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp đại học năm 1991, Tùng Thuần xin học bổng thạc sĩ ở nước ngoài. Tháng 3/1992, anh nhận được giấy trúng tuyển của Đại học (Mỹ). 6 tháng sau, Tùng Thuần sang Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ về Khoa học máy tính dưới sự hướng dẫn của GS David Mumford.

Tùng Thuần tốt nghiệp thạc sĩ năm 1993 và lấy bằng tiến sĩ năm 1996. Sau đó, anh theo chân GS David Mumford thực hiện nghiên cứu ở Đại học Brown (Mỹ). Năm 1977, tiến sĩ được Đại học Stanford (Mỹ) mời về làm việc tại phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo thuộc khoa Máy tính.

Năm 1998, tiến sĩ gia nhập Đại học Ohio (Mỹ) với tư cách là trợ lý GS tại khoa Khoa học Máy tính. Đến năm 2002, anh được bổ nhiệm làm PGS khoa Thống kê và Khoa học Máy tính thuộc Đại học California (Mỹ). Giai đoạn này, tiến sĩ thành lập cả Trung tâm Nghiên cứu Thị giác Máy tính ở Mỹ.

Năm 2005, tiến sĩ Tùng Thuần cùng ông Thẩm Hướng Dương thành lập Viện Nghiên cứu Liên Hoa Sơn ở Ngạc Châu (Trung Quốc). Đây là tổ chức trao đổi nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận và tiến sĩ Tùng Thuần giữ chức Viện trưởng.

Năm 2006, ở tuổi 38, tiến sĩ Tùng Thuần được bổ nhiệm làm GS khoa Thống kê và Khoa học Máy tính tại Đại học California (Mỹ). Năm 2007, dưới sự dẫn dắt GS Tùng Thuần, nhóm nghiên cứu Thị giác Máy tính nhận được tài trợ từ Quỹ Khoa học Tự nhiên quốc gia (Trung Quốc).

Từ năm 2010-2015, GS được bổ nhiệm làm trưởng nhóm nghiên cứu khoa học về Thị giác Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo ở Mỹ (MURI). Trong nhiệm kỳ tiếp theo từ năm 2015-2020, GS tiếp tục đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm nghiên cứu viên chính (Principal Investigator - PI).

Ở tuổi 52, GS Chu Tùng Thuần về nước cống hiến, sau 28 năm học tập và làm việc ở Mỹ. Ảnh: Baidu

Rời hào quang ở tuổi 52, tháng 9/2020, GS Tùng Thuần về nước với tư cách là nhà khoa học chiến lược trí tuệ nhân tạo. Sau khi về Trung Quốc, GS thành lập Viện Trí tuệ Nhân tạo Tổng hợp Bắc Kinh (BIGAI) và giữ chức viện trưởng.

Ngoài ra, nhà khoa học Tùng Thuần đảm nhận cả vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo thuộc Đại học Bắc Kinh. Không chỉ phụ trách giảng dạy và nghiên cứu tại đây, ông còn được mời làm GS thỉnh giảng ở Đại học Thanh Hoa.

Tháng 1/2021, GS thành lập Lớp học thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo tại Học viện Nguyên Bồi thuộc Đại học Bắc Kinh. 3 tháng sau, GS Tùng Thuần thành lập Chương trình đào tạo Trí tuệ Nhân tạo tài năng trẻ tại Đại học Thanh Hoa. Đến tháng 1/2022, GS tiếp tục thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về trí tuệ nhân tạo đa phương tiện và giữ chức giám đốc.

Sau 4 năm về nước cống hiến, tháng 1/2024, GS Tùng Thuần cho ra mắt thực thể trí tuệ nhân tạo đầu tiên thế giới. GS cho rằng: "Cái mà tôi gọi là 'đứa con' trí tuệ nhân tạo đầu tiên thế giới, có thể sẽ đưa công nghệ Trung Quốc bước sang kỷ nguyên mới".

Thực thể trí tuệ nhân tạo này tên Little girl (tên tiếng Trung là Đồng Đồng), có khả năng bắt chước nhận thức của con người. Sự ra đời của Đồng Đồng phá vỡ nguyên tắc cơ bản về công nghệ mới. Không giống mô hình ngôn ngữ phổ biến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Đồng Đồng có thể tự giao nhiệm vụ cho mình độc lập, từ khám phá môi trường xung quanh đến dọn dẹp.

Đồng Đồng được thiết kế có cảm xúc và trí tuệ nên sở hữu khả năng tự học. "Đồng Đồng sở hữu trí tuệ và có thể hiểu được điều con người dạy. Nó phân biệt đúng sai, thể hiện thái độ trong nhiều tình huống và có khả năng định hình tương lai", Viện Trí tuệ Nhân tạo Tổng hợp Bắc Kinh (BIGAI), giới thiệu tính năng của Đồng Đồng.

Về tiêu chuẩn và nhiệm vụ kiểm tra trí tuệ nhân tạo tạo sinh, Đồng Đồng thể hiện hành vi và khả năng tương tự đứa trẻ 3-4 tuổi. Thông qua việc khám phá và tương tác với con người, thực thể này có thể liên tục nâng cao kỹ năng, kiến thức và giá trị bản thân.

GS Tùng Thuần - Viện trưởng Viện Trí tuệ Nhân tạo Tổng hợp Bắc Kinh (BIGAI), cho hay: "Để tiến đến trí tuệ nhân tạo tạo sinh, con người cần phải tạo ra thực thể hiểu được thế giới thực và sở hữu các kỹ năng".

Ngoài công bố thực thể trí tuệ nhân tạo đầu tiên thế giới, nhóm nghiên cứu của GS còn cho ra mắt ứng dụng Tong test. Trước đó, tháng 8/2023, nền tảng này đã được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE).

Với gần 100 nhiệm vụ chuyên biệt và hơn 50 nhiệm vụ chung, Tong Test có chế độ thử nghiệm hoàn chỉnh để phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Nền tảng còn cung cấp khung đánh giá năng lực dựa trên 5 khía cạnh gồm: Tầm nhìn, ngôn ngữ, nhận thức, chuyển động và học tập.

Theo GS Tùng Thuần, để tích hợp liền mạch vào môi trường của con người, trí tuệ tạo sinh phải học và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. "Đây là lý do chúng tôi đề xuất Tong Test - hướng mới để kiểm tra trí tuệ nhân tạo tạo sinh, tập trung vào khả năng và giá trị thực tế.

Nghiên cứu của chúng tôi hướng đến trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong việc học tập và cải thiện khả năng của nó hiệu quả, an toàn. Mục đích để công nghệ này phục vụ con người tốt hơn", GS Tùng Thuần cho hay.

Thắm Nguyễn