Hà Nội thông qua mức hỗ trợ lực lượng an ninh cơ sở hơn 2,8 triệu đồng/người/tháng

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội trình bày tờ trình tại kỳ họp

Chiều 1/7, HĐND TP à Nội đã thông qua Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, về tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập một Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm từ 03 đến 05 thành viên, bao gồm 01 Tổ trưởng, 01 Tổ phó và từ 01 đến 03 Tổ viên. Trong đó, đối với thôn, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên: thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 05 thành viên gồm: 01 Tổ trưởng; 01 Tổ phó; 03 Tổ viên.

Đối với thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình đến dưới 500 hộ gia đình: thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 04 thành viên gồm: 01 Tổ trưởng; 01 Tổ phó; 02 Tổ viên.

Đối với thôn, tổ dân phố có dưới 350 hộ gia đình: thành lập 01 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 03 thành viên gồm: 01 Tổ trưởng; 01 Tổ phó; 01 Tổ viên.

Các đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và quyết định số lượng thành viên phù hợp nhưng không vượt quá số thành viên tối đa theo quy định.

Trường hợp cần tăng thêm số lượng thành viên, Chủ tịch UBND TP sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ tình hình, yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số của địa phương.

Về mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng: Hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mức 2.520.000đ/người/tháng.

Hỗ trợ đóng ảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hằng tháng cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gồm: hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội, mức 234.000đ/người/tháng; hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế, mức 54.000đ/người/tháng;

Hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự 300.000đ/người/tháng; đối với Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hỗ trợ thêm 200.000đ/người/tháng.

Hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ với thời gian làm việc từ 04 giờ trở lên, mức 100.000đ/người/ngày.

Trước đó, trình bày tờ trình tại kỳ họp, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội cho hay, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 3 lực lượng tham gia phối hợp với Công an chính quy trong bảo vệ, bảo đảm ANTT tại cơ sở gồm: Lực lượng Bảo vệ dân phố; Công an xã bán chuyên trách; Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng (việc thành lập, tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách được thực hiện theo các quy định của áp luật).

Tuy nhiên, 3 lực lượng được quy định chế độ chính sách khác nhau. Trong đó, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được hưởng chế độ phụ cấp, hỗ trợ đóng bảo hiểm hàng tháng mức 2.808.000 đồng/người/tháng theo Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023;

Lực lượng bảo vệ dân phố hưởng chính sách hỗ trợ mức trung bình 1.100.000 đồng/tháng theo Nghị quyết số 21/2008/NQ-HĐND ngày 11/12/2008 của HĐND Thành phố quy định nội dung, mức chi hỗ trợ).

Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng mức trung bình 1.200.000 đồng/người/tháng theo Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021.

Từ ngày 1/7/2024, căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn Thành phố sẽ được kiện toàn từ 3 lực lượng trên, cụ thể: Bảo vệ dân phố; Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng; Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng.

Như vậy, sau khi Tổ an ninh trật tự được thành lập, các lực lượng trên thống nhất thực hiện nhiệm vụ, đều có chung vị trí chức năng nhưng chưa đồng nhất mức chi hỗ trợ. Do vậy, cần ban hành chính sách áp dụng chung cho thành viên Tổ an ninh trật tự là cần thiết, phù hợp.

Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất, 01 người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được hưởng tổng số tiền: 2.808.000đ/người/tháng, gồm: hỗ trợ thường xuyên + hỗ trợ đóng BHXH, BHYT = 2.520.000đ + 234.000đ + 54.000đ.

Theo đó, đối với Công an xã bán chuyên trách tham gia Tổ bảo vệ ANTT, giữ nguyên nội dung, mức chi theo Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND; đối với lực lượng Bảo vệ dân phố; Đội trưởng, Đội phó đội Dân phòng: nâng mức hưởng từ Nghị quyết số 21/2008/NQ-HĐND và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND lên theo nội dung, mức chi của lực lượng Công an xã bán chuyên trách theo Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND TP Hà Nội.

Cũng theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, mức hỗ trợ cơ quan soạn đề xuất cơ bản phù hợp với thực tiễn, có tính tương quan với các chính sách đang áp dụng tại thôn, tổ dân phố - thấp hơn chính sách với Bí thư Chi bộ thôn...

Chính sách trên sẽ tạo sự động viên, khuyến khích, an tâm công tác lâu dài với lực lượng này, đồng thời có khả năng thu hút người trẻ tham gia.

Dự kiến, kinh phí chi bồi dưỡng hằng năm cho lực lượng tham gia bảo ANTT ở cơ sở khoảng 749.532.096.000 đồng từ ngân sách thành phố.