Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Xe buýt đón khách tại Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) Ảnh: Mạnh Khánh - TTXVN

Ngày 13/7, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) có công văn Số: 20/CV-HAPTA do Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông ký, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thành viên về hạ tầng lưu thông, chuyển đổi số, vướng mắc nguồn lao động...

Đối với địa bàn Hà Nội nhằm triển khai Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND & Quyết định 5953/QĐ-UBND về việc thông qua và phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện Giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc & ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Hà Nội kiến nghị thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn sau:

Về bộ định mức kinh tế - kỹ thuật & phương tiện thuộc hệ thống vận tải hành khách công cộng, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội kiến nghị thành phố sớm ban hành bộ tiêu chí & đơn giá định mức kinh tế - kỹ thuật cho các doanh nghiệp sử dụng phương tiện sạch, công nghệ mới (CNG, Bus điện, Metro), cũng như sửa đổi bổ sung cập nhật bộ tiêu chí buýt cho phù hợp.

Đồng thời, nên có lộ trình cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp buýt thông thường trong quá trình chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.

Về hạ tầng trên tuyến thuộc hệ thống vận tải hành khách công cộng cần phát triển đường ưu tiên, đường dành riêng cho vận tải công cộng nói chung, xe buýt nói riêng, để khai thác được tốc độ chạy xe, thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng (theo Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 16/10/2020 của UBND thành phố Hà Nội), nhằm kiểm soát sự gia tăng xe cá nhân.

Tổ chức giao thông tiếp cận để người dân đi xe công cộng được thuận tiện, an toàn. Trong đó, các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông, Kiểm tra giám sát xử lý mọi hành vi chiếm dụng làn đường dành riêng cho các tuyến vận tải công cộng.. Và chính quyền các địa phương xử lý mọi hành vi phá hoại, chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng, vỉa hè gây cản trở cho người bộ hành tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng.

Về ứng dụng công nghệ: Trong việc chăm sóc khách hàng cần phổ biến, hướng dẫn khách hàng cập nhật, sử dụng hệ thống loại hình vận tải công cộng thông qua các ứng dụng (timbus, busmap), để phát huy tính tiện lợi của vận tải công cộng. Nghiên cứu, sớm triển khai loại hình vé điện tử liên thông toàn mạng (lưu ý đến quyền lợi bảo hiểm của các khách hàng sử dụng vé miễn phí khi đi trên xe công cộng).

Trong việc chống thất thu và nâng cao chất lượng dịch vụ: Nghiên cứu, tiến tới hình thành một đơn vị độc lập phát hành vé điện tử liên thông, để tổ chức quản lý, giám sát nguồn thu (khi đó các doanh nghiệp vận tải có điều kiện tập trung điều hành, giám sát chất lượng dịch vụ).

Theo Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, hiện nay, nguồn lao động trực tiếp trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng sau đại dịch COVID-19 thiếu, khó tuyển dụng, đặc biệt là lái xe chở khách trên 30 chỗ thiếu trầm trọng.

Trước đó, ngày 10/7/2023, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản 79/CV-HHVT tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đường Bộ, Luật Trật tự an toàn GTĐB, có đề nghị “bỏ quy định hạn chế tuổi của người lái xe hành nghề lái xe từ 30 chỗ ngồi trở lên” (trong dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại điểm e, điều 40 quy định: tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ là 50 tuổi đối với nữ & 55 tuổi đối với nam).

Theo đó, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cũng đồng quan điểm với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và cùng đề nghị Bộ, thành phố, ủng hộ, kiến nghị lên Chính phủ, Ban soạn thảo Dự án Luật lưu ý quan tâm và xem xét giải quyết những vướng mắc nói trên./.

Tuyết Mai/TTXVN