Hương ước mới của thôn bản thời đại dịch Covid-19

Hương ước, quy ước của làng xã, thôn bản từ lâu đã có vai trò gắn kết, động viên người dân cùng duy trì, thực hiện lối ứng xử chuẩn mực và văn minh. Tại Quảng Ninh, nhờ sự đồng thuận của toàn dân, những quy tắc, “lệ làng” mới đã được thiết lập, nêu cao hơn nữa vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.

Trở thành "lệ làng", các nguyên tắc ứng xử phòng chống dịch bệnh Covid-19 được người dân nhắc nhở nhau cùng thực hiện

Đã thành thói quen, cứ thấy người lạ vào thôn là ông Chíu Sáng Hình tới hỏi thăm cẩn thận. Từ đường lớn, qua con suối nhỏ, thôn Khe Mằn tách biệt với các thôn bản khác của xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ - huyện vùng cao phía đông của tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày Covid-19 xuất hiện, Khe Mằn không còn đông đúc người qua lại, nhưng có ai tới mua bán, trao đổi gì, người dân cũng nhớ “5K”. Ông Hình bảo, bà con tự giác lắm, vì các quy định phòng dịch đã trở thành quy ước, hương ước của thôn.

"Bây giờ bà con trong thôn thấy khó thở tức ngực là tự giác ở nhà để ngăn ngừa Covid-19. Nếu như ho, sốt lập tức báo kịp thời cho trạm xá, tổ Covid để có biện pháp xử lý ngăn ngừa, kiểm tra, để không lây lan dịch bệnh cho người thân, gia đình", ông Hình cho biết.

Cùng con cháu đi tiêm mũi thứ 3 vaccine phòng Covid-19 về, bà Đặng Kim Phương vẫn không quên đeo khẩu trang khi ra đường, như không quên chiếc khăn trùm đầu rực rỡ của người Dao Thanh Phán. Không chỉ nhớ đeo, bà Phương còn bà con làng xóm, con cháu đi ra đường phải đeo khẩu trang, không được tụ tập, nhắc nhở nhau làm cho đúng.

Lần đầu tiên, trong hương ước, quy ước của thôn Khe Mằn có thêm những quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hơn 90 nóc nhà người Dao với khoảng 300 nhân khẩu nay nằm lòng nguyên tắc “3 an toàn”: Cá nhân an toàn, Gia đình an toàn, Cộng đồng an toàn với những quy định đơn giản, dễ nhớ, dễ làm theo, như "Tuân thủ 5K", "Tiêm vaccine", "Tự theo dõi sức khỏe", "Đoàn kết, tự quản, tự giám sát và chủ động phản ánh các trường hợp nguy cơ cao"…

Những nguyên tắc này đều do chính bà con trong thôn đồng thuận, nhất trí để xây dựng, bổ sung vào quy ước, hương ước. Thôn cũng thành lập 6 tổ liên gia tự quản về phòng, chống dịch, liên kết các nhóm hộ gần gũi nhau, bầu những người uy tín như Trưởng thôn, Chi hội trưởng các đoàn thể làm tổ trưởng. Các tổ liên gia không chỉ nắm bắt di biến động dân cư mà còn hỗ trợ nhau, từ đi chợ, mua thực phẩm khi phải cách ly cho đến chăm sóc, thăm nom lúc đau ốm…

Ông Triệu Quay Thành, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Khe Mằn ngày nào cũng “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trò chuyện, tuyên truyền cho bà con những quy định mới; vận động mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong phòng chống dịch, giám sát, nắm bắt biến động dân cư để kịp thời có biện pháp ứng phó.

Ông Triệu Quay Thành sử dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền cho bà con thôn bản, cung cấp các thông tin phòng chống dịch bệnh nhanh nhất

Qua hệ thống loa truyền thanh, tiếng ông Thành sang sảng khắp làng trên, xóm dưới. “Cùng nhau”, “đoàn kết”, ông nhắc đi nhắc lại để bà con cùng nhớ, cùng thực hiện. Là già làng uy tín, ông Thành bảo, hương ước đã có từ lâu, gắn bó với đời sống như miếng cơm, bát nước hàng ngày. Nhưng "cái nào đúng thì cùng nhau thực hiện, cái nào không đúng thì cùng nhau xóa bỏ", như các hủ tục thách cưới, tảo hôn đều đã bỏ cả. Khi thành lệ trong hương ước rồi, việc phòng dịch sẽ thành thói quen, nếp sống, để bà con họ Đặng, họ Triệu, họ Chíu, họ Linh,… người Dao và đồng bào người Kinh ở Khe Mằn cùng giúp nhau, chung tay chống dịch. Ông Triệu Quay Thành khẳng định: Chống được dịch bệnh thì sẽ giảm được đói nghèo.

"Phải đưa vào quy ước, hương ước để tuyên truyền cho dân chống dịch, họp chi bộ cũng phải đưa vào, họp dân cũng phải đưa vào. Dịch không thấy nhưng mà phải cùng nhau đoàn kết để chống dịch. Bây giờ người dân ở trong thôn đã đồng thuận hết, đã quyết định như thế rồi thì ai cũng phải tuân theo, tự nguyện", ông Thành cho biết thêm.

Người dân hơn 1.500 thôn bản, khu phố tại Quảng Ninh đồng thuận xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước và thành lập các tổ liên gia trong dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Không chỉ Khe Mằn, người dân ở hơn 1.540 khu phố, thôn bản của Quảng Ninh đều đã thống nhất xây dựng, bổ sung vào quy ước, hương ước các quy tắc ứng xử gắn với quy định về phòng chống dịch trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11/2021 vừa qua. Gần 15.500 tổ liên gia tự quản về phòng chống dịch được thành lập và ra mắt trên toàn tỉnh. Đây là hoạt động, cách làm mới của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh nhằm thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Ông Hoàng Ngọc Quyền, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Ba Chẽ cho biết, với địa bàn “đất rộng người thưa”, dân số hơn 80% là người dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, cách làm này càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Thông qua Ban công tác Mặt trận và người có uy tín ở thôn bản, những quy ước, hương ước mới đã dần đi vào đời sống, để bà con các dân tộc phát huy vai trò chủ thể của mình, cùng đoàn kết, cùng chủ động tham gia phòng chống dịch hiệu quả.

Ông Hoàng Ngọc Quyền nhấn mạnh: "Làm tốt điều này là nhờ vào công tác tự phòng tự quản của nhân dân, các thôn khu, tinh thần trách nhiệm của các tổ Covid cộng động. Đặc biệt là 391 tổ liên gia tự quản được thành lập trong ngày hội Đại đoàn kết vừa rồi, chúng tôi thấy rất hiệu quả. Các tổ liên gia, tổ Covid trong thời gian diễn biến dịch phức tạp hoạt động rất tích cực, từ đó góp phần giữ được địa bàn vùng xanh Ba Chẽ an toàn".

“Sắp Tết rồi, con cháu đi xa về nhiều, bà con phải chú ý khai báo y tế, nếu có trường hợp mắc bệnh cũng phải bình tĩnh, vẫn phải làm mạ, làm nương, không được bỏ để chống dịch cho an toàn, sản xuất ổn định”… Ngày ngày, tiếng loa của ông Triệu Quay Thành vẫn vang xa, qua cả cánh cổng thôn văn hóa đỏ tươi trong nắng xuân. Bên những vạt rừng quế xanh ngát, người Dao ở Khe Mằn đang đón những ngày Tết ấm, vui tươi, đoàn kết và an toàn./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc