Kể chuyện về 'những hạt giống đỏ' của cách mạng Việt Nam

Nhiều hiện vật, tư liệu quý được trưng bày tại triển lãm.

Đây là trưng bày nhân kỷ niệm 65 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958-12/2023), hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024).

Trưng bày gồm 3 phần, phần 1 “Người ươm mầm những hạt giống đỏ”, trong đó giới thiệu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua cuốn Đường Kách mệnh (Bảo vật quốc gia); các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc); những hình ảnh, tài liệu, hiện vật và câu chuyện về đội ngũ thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên.

Phần 2 “Khí phách người cộng sản” giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 gắn với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những hạt giống đỏ đầu tiên - học trò xuất sắc của Người.

Phần 2 đem đến cho người xem những kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu "Biến nhà tù thành trường học cách mạng", tại nơi tù ngục này, các Đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng. Những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác-Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.

Cuối năm 1925, đầu 1926, lớp học đầu tiên tổ chức tại ngôi nhà 13 đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc), gồm 10 học viên (8 người đã có mặt tại Quảng Châu và 2 người trong nước mới sang). Kết thúc khóa học, học viên được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Lê Duy Điếm và Lê Hữu Lập được cử về nước tổ chức đưa đoàn khác sang học.

Tháng 8/1926, khai giảng khóa huấn luyện chính trị cho các đoàn từ Việt Nam sang, trong đó có các đồng chí Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Phan Trọng Ninh.

Cuối năm 1928 kết thúc khóa học, 6 người được giao nhiệm vụ trở về nước tiếp tục tìm chọn người đưa sang học và xây dựng cơ sở ở ba miền: Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Công Thu về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng về Vinh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi về ài Gòn. Đó chính là những hạt giống đỏ đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc ươm mầm và gieo trồng.

Tái hiện căn nhà của đồng chí Ngô Gia Tự.

Tại trưng bày, lần đầu tiên căn nhà của đồng chí Ngô Gia Tự được tái hiện, với đôi câu đối hai bên cửa thể hiện khí phách người chiến sĩ cách mạng: “Cổng độc lập tha hồ khép mở - Nhà tự do mặc sức ra vào”, và bên trên cửa đề “Cửa như chợ”.

Những hiện vật gắn bó với các chiến sĩ cách mạng thời kỳ đầu cũng được trang trọng giới thiệu: cây đèn tọa đăng của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ dùng trong các cuộc họp ở Từ Sơn (Bắc Ninh) tháng 9/1928; chiếc áo đồng chí Lê Hồng Phong sử dụng trong thời kỳ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; áo gối của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm từ vải áo tù để gửi tặng mẹ trong thời gian ở Khám Lớn (Sài Gòn) năm 1940; ống cắm bút, nồi nấu mực in tài liệu của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ dùng trong thời gian ở nhà cụ Nguyễn Duy Lại, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh trong thời gian từ năm 1941-1943…

Trưng bày cũng tái hiện hình ảnh các chiến sĩ cách mạng trong ngục tù, từ xiềng xích thực dân Pháp dùng để xích chân các chiến sĩ cách mạng bị giam trong nhà tù Hỏa Lò Hà Nội năm 1932, cho đến cùm chân mà thực dân Pháp dùng để cùm chân tù nhân ở nhà tù Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)…

Trong môi trường ngục tù, các chiến sĩ cách mạng vẫn thể hiện sự kiên trung bất khuất, những lời nói, trích dẫn của những người cộng sản như đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trần Huy Liệu… cũng được tái hiện trong không gian từng được gọi là “địa ngục trần gian” này.

Khách du lịch nước ngoài tham quan triển lãm.

Trưng bày cũng giới thiệu các tác phẩm, tài liệu quý gắn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng như sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, như tác phẩm “Đường Kách mệnh (Bảo vật quốc gia), “Nhật ký trong tù”, “Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, được thông qua tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, tháng 10/1930…

Với những kỷ vật, tài liệu gốc cùng tư liệu, hình ảnh quý giá hiện được được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương, trưng bày giúp công chúng hiểu thêm về lịch sử đất nước, về cống hiến của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở Việt Nam… ; từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.