Kích hoạt các động lực tăng trưởng

GS Nguyễn Đức Khương

Nền kinh tế hồi phục tích cực

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tốc độ phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?

2023 là một năm nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới. Mặc dù chịu nhiều tác động từ bên ngoài do có độ mở cao, sự phục hồi kinh tế Việt Nam tương đối tích cực. Ổn định vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiểm soát tốt, và các chỉ số của nền kinh tế cũng đang dần phục hồi.

Tổng thu nhập quốc nội GDP ước tính đạt 5% theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong đó các quý sau đều tăng trưởng cao hơn quý trước (tăng từ 3,4% quý I lên 6,7% quý IV). Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch như kỳ vọng theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ (chiếm 42,54% GDP). Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tốt, tăng 7,35% trong quý 4 so với giảm 0,34% trong quý I.

Ấn tượng nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, đạt 36,6 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022) với hơn 400 dự án FDI mới được phê duyệt. Kết quả này rất khả quan khi tổng dòng vốn FDI toàn cầu nửa đầu 2023 giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2022 theo số liệu thống kế của OECD. Nền kinh tế ổn định cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tốt lên.

- Nhưng, rõ ràng những thách thức mà nền kinh tế đối diện hiện nay là không nhỏ, thưa ông?

Việt Nam có nền kinh tế hội nhập khu vực và quốc tế cao, cả về thương mại lẫn tài chính, giúp tiếp cận dễ dàng với các thị trường lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng dễ bị tác động tiêu cực từ bất ổn địa chính trị, những định hình liên kết kinh tế mới khó dự đoán. Trước mắt, hệ quả từ cuộc chiến Nga – Ukraina, nguy cơ xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông từ xung đột Israel – Hamas... còn nặng nề, nhiều nguy cơ tiềm tàng, mà dễ thấy nhất là rủi ro khủng hoảng giá xăng dầu thế giới thêm một lần nữa.

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có sự phục hồi chậm, nhu cầu suy giảm và tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm 2024. Lạm phát ở Mỹ và Châu Âu cơ bản được kiểm soát, song vẫn ở mức cao và chưa cho phép các nước chủ động hơn trong điều chỉnh lãi suất và cung tín dụng. Trung Quốc thì ngược lại, đang phải đối mặt với giảm phát sau giai đoạn Zero , khó khăn của thị trường bất động sản, và dòng vốn nước ngoài rời khỏi thị trường. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng không khả quan khi dự báo tăng trưởng suy giảm vào năm 2024 theo tính toán của IMF (4,6% so với 5,4% năm 2023), trong khi thâm hụt ngân sách năm 2023 đã là 3,8% GDP.

Ở trong nước, rào cản lớn nhất cho việc quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao là tâm lý thị trường còn chưa ổn định sau một loạt các vụ án kinh tế, tham nhũng và thao túng thị trường. Tâm lý này có thể gây suy giảm đầu tư từ nhà đầu tư cá thể và tái đầu tư của doanh nghiệp. Bối cảnh kinh tế chung có nhiều bất ổn nên người tiêu dùng cũng tiết kiệm hơn, đặc biệt đối với các chi tiêu dịch vụ di chuyển và du lịch do mặt bằng giá cả tăng đáng kể (lạm phát cơ bản tăng 4,16%).

- Lãi suất đã hạ về mức kịch trần nhưng dường như doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Theo ông, nên gỡ nút thắt này như thế nào?

Rào cản pháp lý và thủ tục hành chính là lý do đầu tiên đã được nói đến nhiều. Về điểm này, giải pháp không nằm ngoài việc làm rõ các điều kiện cấp vốn vay, linh hoạt hóa các cơ chế đánh giá doanh nghiệp dựa trên kế hoạch kinh doanh và hiệu quả dự kiến, đồng thời loại bỏ các thủ tục hành chính, và các văn bản chồng chéo không cần thiết. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tình hình tài chính, và cải tiến hoạt động để duy trì tăng trưởng kinh doanh.

Lý do thứ 2, dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Các doanh nghiệp cần nhận diện được triển vọng phát triển kinh tế trong và ngoài nước trước khi ra quyết định đầu tư hay tái đầu tư, để đảm bảo có lãi và bền vững trong kinh doanh. Do vậy, các giải pháp đảm bảo ổn định vĩ mô, mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng và tự cường của nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp giảm sự lo lắng, ngần ngại trong vay vốn.

Tôi muốn nhấn mạnh đến tính tự cường của nền kinh tế như năng lực kháng cự với các cơn gió ngược từ môi trường quốc tế thông qua phát triển thị trường tiêu dùng trong nước và nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng xuất khẩu.

Ở cấp độ quốc gia, có những ngành nghề trọng yếu cho phát triển tương lai, hay an sinh xã hội, nhưng không thể kỳ vọng mức có lãi cao, hay có lãi ngay. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, và giảm chi phí vốn vay cho các hoạt động đặc biệt này, ví dụ cho đầu tư vào những công nghệ tương lai (công nghệ giáo dục, công nghệ chống biến đổi khí hậu, công nghệ lai tạo và sản xuất con giống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...), hay đầu tư vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết của đời sống kinh tế xã hội như dịch vụ y tế, sức khỏe, năng lượng, nước...

Quy mô thị trường vốn tăng, pháp lý cải thiện

- Làm thế nào để thị trường vốn thực sự là bệ đỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Nhìn chung thị trường vốn Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tích cực, quy mô thị trường có xu hướng tăng, khuôn khổ pháp lý liên tục được cải thiện. Sự phục hồi trong năm 2023 còn chậm, vừa do bối cảnh kinh tế chung toàn cầu, vừa do nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng cũng như rủi ro từ tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán, và bất động sản.

Một thị trường vốn hiệu quả phải đảm bảo được ít nhất 3 đặc tính sau để cung cấp nguồn vốn dài hạn ổn định cho phát triển kinh doanh và kinh tế: thông tin minh bạch, độ sâu thị trường và các cơ chế điều phối thị trường để loại bỏ các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư cá thể. Một sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý để giám sát và thúc đẩy hiệu quả thị trường vốn sẽ giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Các nghiên cứu trong ngành tài chính cho thấy sự có mặt của các nhà đầu tư quốc tế thúc đẩy hiệu quả thị trường thông qua tăng thanh khoản thị trường nhờ dịch chuyển dòng vốn đầu tư tài chính xuyên biên giới, yêu cầu minh bạch thông tin cao, và áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế như IFRS. Do đó, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hạng và gia nhập vào nhóm các thị trường mới nổi (emerging markets) cũng sẽ là một yếu tố tích cực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin về thị trường và doanh nghiệp trong nước.

- Trong bối cảnh đó, đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng trong 2024 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Đầu tư công, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là ba động lực lớn của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, và năm 2024. Để duy trì sự năng động của nền kinh tế và đảm bảo một mức tăng trưởng ổn định, ưu tiên trước mắt vẫn phải là làm tốt hơn nữa việc kích hoạt các động lực này, như tiếp tục mở rộng thị trường cho xuất khẩu và cải thiện khung pháp lý để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như thúc đẩy hợp tác công tư trong các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược.

Trong những năm tiếp theo, các động lực tăng trưởng cần có chất lượng cao hơn, đa chiều hơn, tính đến các nhu cầu tương lai, và thậm chí dẫn dắt nhu cầu tương lai của Việt Nam và thế giới. Đơn cử như xuất khẩu, chúng ta sẽ không thể tiếp tục xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp, mà phải đi vào nâng cao giá trị gia tăng. Các mặt hàng xuất khẩu cũng phải đi theo hướng thân thiện với môi trường, ít phát thải các bon. Bangladesh đã đi trước chúng ta một bước, với sự chuyển dịch ấn tượng của ngành may mặc, đáp ứng với yêu cầu bền vững và an toàn của Liên minh Châu Âu. Hay như tiêu dùng trong nước, cần hướng người dân đến các sản phẩm hữu cơ, sử dụng ít nguyên liệu đầu vào.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần khẳng định “ADN” phát triển của mình thông qua thúc đẩy mạnh mẽ một nền kinh tế tri thức. Đó là nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo. Trong đó đặc biệt cần quan tâm đến khoa học. Không có khoa học thì không có công nghệ lõi và cũng không có đổi mới sáng tạo đột phá. Các nghiên cứu bậc cao, các phát minh sáng chế sẽ được “kinh tế hóa” theo nghĩa được phát triển ứng dụng vào kinh doanh và đời sống xã hội. Khi đó, các động lực lớn của tăng trưởng sẽ có chất lượng cao, bền vững.

Kỳ Thư