Kỳ 2: Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ?

Ngày 16/6 và kéo dài đến ngày 18/6, một toán người nhái của Hải quân Mỹ xuất phát từ tàu USS Acme lặn xuống xác tàu PCF-19 và đã vớt được 3 thi thể gồm 2 người Mỹ là Billy S. Armstrong, Anthony Chandler và Bùi Quang Thi, thông dịch viên người Việt. Riêng xác của Edward Cruz mãi đến năm 2001 mới được tìm thấy do một ngư dân người Việt ở Quảng Trị phát hiện khi di mò tìm phế liệu, còn Bowman thì vẫn mất tích đến tận bây giờ.

Vị trí trên thân tàu khu trục Hobart bị tên lửa Sparrow bắn trúng.

1. Xác tàu PCF-19 khi ấy nằm lật nghiêng, bị thủng 2 lỗ lớn ngay khoang cầu tàu ở phía trước. Kết quả xác minh cho thấy nó cũng bị bắn bởi tên lửa không đối không Sparrow. Sự việc lại càng thêm khó hiểu khi Hải quân Mỹ kiểm tra những thiệt hại của tàu PCF-12. Tất cả những lỗ đạn trên thân tàu đều là đạn 12,7mm của chính con tàu này bởi lẽ Hải quân miền Bắc khi ấy sử dụng đại liên 12,8mm. Một giả thuyết cho rằng chiếc PCF-19 đã bị máy bay Phantom bắn nhầm nhưng nó chỉ có thể nhầm vào đêm 15/6 chứ không thể nhầm vào đêm 17/6 với tàu khu trục Hobart bởi lẽ theo Không quân thuộc Hải quân Mỹ, đêm 17/6 không có một phi vụ Phantom F-4 nào hoạt động ở khu phi quân sự. Điều kỳ lạ nữa là một thủy thủ trên tàu PCF-12 đã kịp chụp 2 chiếc UFO với 9 tấm ảnh bằng chiếc máy Kodak của mình nhưng khi in tráng phim, tất cả chỉ là một màu đen kịt, y như phim bị lộ sáng!

Trước những lời đồn đoán gây hoang mang trong quân đội, đặc biệt là với hải quân, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV) ra lệnh cho thủy thủ đoàn của tàu PCF-12 và phi công Phantom F-4 ở Đà Nẵng không tiết lộ cho báo chí bất cứ chi tiết gì về vụ này. Thậm chí khi quân viễn chinh Mỹ đã rút về nước theo Hiệp định Paris năm 1973, một thủy thủ của tàu PCF-12 là James Steffes đã viết hồi ký “Swift Boat Down”, kể lại những gì ông thấy tận mắt nhưng vẫn không dám dùng chữ UFO mà chỉ gọi nó là “Helo”.

Sau Hiệp định Paris và sau khi lính Mỹ đã rút hết về nước, những thông tin về vụ đụng độ với UFO ở khu phi quân sự bắt đầu xuất hiện trên báo chí dựa theo cuốn hồi ký của James Steffes. Dưới sức ép của công luận, ngày 16/10/1973, tướng George Brown, tư lệnh Không quân Mỹ tổ chức họp báo ở bang Illinois. Khi được hỏi về việc UFO xuất hiện tại Việt Nam, tướng Brown trả lời lấp lửng: “Tôi không biết liệu câu chuyện này đã từng được kể hay chưa? Đó không phải là UFO. Đó là trực thăng vũ trang của đối phương. Chúng chỉ xuất hiện vào ban đêm và chỉ được nhìn thấy ở một số nơi xung quanh khu phi quân sự vào đầu mùa hè năm 1968. Điều này dẫn đến một cuộc đụng độ đáng kể và trong quá trình ấy, tàu khu trục Australia đã trúng đạn nhưng chúng tôi không tìm thấy kẻ thù. Nói chung, chúng tôi luôn sẵn sàng phản ứng và phản ứng tốt...”.

Với George Filer, sĩ quan tình báo dưới quyền tướng Brown trong chiến tranh Việt Nam và hiện là giám đốc mạng lưới theo dõi UFO ở Mỹ nói rõ hơn: “Năm 1968, hầu như tất cả mọi buổi sáng, tôi đều trình lên tướng Brown các tin tức tình báo về Việt Nam, trong đó nhiều lần tôi nhắc đến UFO xuất hiện ở vùng phi quân sự”. Cựu đại úy Bill Cooper, người đã từng là thuyền trưởng của một tàu PCF ở Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1969, trong cuộc nói chuyện tại hội nghị về UFO ở Los Angeles, bang California diễn ra năm 1989 cho biết: “Khoảng tháng 5/1968, tôi chuyển lên phía bắc khu phi quân sự, ở một nơi gọi là Cửa Việt. Lúc đó, tôi nhiều lần nhìn thấy UFO xuất hiện. Tôi chắc chắn đó không phải là máy bay trực thăng vì nếu là trực thăng Mỹ, phi công phải liên lạc với các bộ phận dưới mặt đất, còn người Bắc Việt Nam không có trực thăng hoạt động ở đây”. Trong cuốn hồi ký “Swift Boat Down” của James Steffes, thủy thủ tàu PCF-12 cũng nói rõ: “Tôi nhìn chăm chú vào bầu trời và thấy 2 “Helo” lơ lửng trên đầu chúng tôi, 1 chiếc cách tàu PCF của chúng tôi 300m còn chiếc kia cách khoảng 100m về phía mạn phải. Chúng không thể là máy bay trực thăng vì chúng không phát ra tiếng nổ động cơ. Hơn nữa, Không quân Mỹ ở các sân bay Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử đều khẳng định lực lượng của họ không hoạt động ở vùng này vào thời điểm chúng tôi nhìn thấy “Helo”. Sau khi chiếc PCF-19 bị bắn hạ và tàu khu trục Hobart bị tên lửa tấn công, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi “Helo” trong vài tuần nữa…”.

2. Hơn 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, năm 2018 người Mỹ mới công khai chuyện đánh nhau với UFO xảy ra ở vùng phi quân sự vào mùa hè năm 1968. Trên trang web Di sản và Lịch sử hải quân - Naval History and Heritage của Hải quân Mỹ, có một bài rất chi tiết về vụ UFO tấn công tàu PCF-19 và tàu khu trục Hobart. Trên trang web của Hội cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Vietnam Veterants of America, cũng có một cuốn sách nói về việc này. Tác giả Fitzgerald nêu ra nhận định: “Phải chăng trình độ khoa học kỹ thuật của người ngoài hành tinh đã đạt đến mức siêu đẳng. UFO của họ có thể bắt những viên đạn bắn ra từ tàu PCF-12 quay ngược lại về nơi nó đã xuất phát. Tương tự như vậy, UFO có thể giữ 5 quả tên lửa không đối không Sparrow rồi sau đó, trả lại 2 quả cho tàu PCF-19 và 3 quả cho tàu Hobart…”.

Và không chỉ tàu PCF-19 liên quan đến UFO, tháng 9-1969, Pete Mazzola, một người lính trẻ thuộc sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới, Mỹ, trong cuộc đụng độ với Quân Giải phóng ở Tây Ninh, gần biên giới Việt Nam, Campuchia, ông cùng một số đồng đội nhìn thấy nhiều “thiên thạch” lơ lửng trên đầu chỉ khoảng 200m rồi di chuyển theo cách khác hẳn những ngôi sao băng bình thường. Điều ngạc nhiên là chẳng riêng lính Mỹ bắn vào những “thiên thạch” này mà ngay cả phía Quân Giải phóng, họ cũng bắn nhưng chẳng bên nào hạ được “thiên thạch”. Mazzola nói: “Tôi thấy rõ một quả đạn chống tăng M-72 lao trúng một thiên thạch. Nó nổ nhưng không hề phát ra chớp lửa như thường thấy….”. Trải nghiệm kinh dị này ảnh hưởng tới Mazzola đến nỗi sau năm 1975, ông thành lập một tổ chức có tên Cục Điều tra khoa học về UFO, trụ sở đặt tại New York. Cuối năm 2020, Mazzola cho biết ông đã tìm hiểu thêm 9 trường hợp UFO xuất hiện trong chiến tranh Việt Nam nhưng để kết luận là nó có thật hay không thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ…

VŨ CAO

(Theo History - UFO in Vietnam War)