Liên tục dính 'phốt', loại hình homestay sẽ thoái trào?

Một trong những sự kiện gây xôn xao dư luận vào thượng tuần tháng 9 này là việc hàng loạt homestay xây trái phép tại khu vực núi Cấm (An Giang) vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Vụ việc “nóng” đến mức đích thân Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phải có chỉ đạo xử lý.

Homestay gặp “hạn”

Sự kiện trên bắt đầu khi UBND xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên) có văn bản yêu cầu 10 chủ homestay tại khu vực núi Cấm dừng hoạt động kinh doanh lưu trú khách du lịch từ trung tuần tháng 9, chờ ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện.

Cụ thể, văn bản số 4447 ngày 4/8/2023 của UBND thị xã Tịnh Biên đề nghị: “UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho địa phương tiến hành xử lý buộc tháo dỡ theo quy định các trường hợp gọi là homestay xây dựng không phép đang tồn tại trên núi Cấm, nhằm phòng ngừa rủi ro từ sạt lở đất, đá”.

Những thông tin thiếu tích cực khiến tốc độ hồi phục của loại hình homestay bị ảnh hưởng không nhỏ.

Việc “đột ngột” bị yêu cầu dừng hoạt động khiến các chủ homestay gặp nhiều khó khăn bởi đã nhận tiền từ khách hàng, hàng chục nhân viên phải nghỉ việc, giảm thu nhập. Nhiều chủ homestay kiến nghị cơ quan chức năng “có hướng giải quyết để được hoạt động chính đáng”.

Dựa trên những thông tin ban đầu, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các Sở, đơn vị liên quan phải khẩn trương “làm rõ những nội dung mà dư luận phản ánh” và gửi báo cáo, tham mưu đề xuất về UBND tỉnh trước ngày 25/9.

Trước đó, hàng loạt homestay xây trên đất rừng ở Sóc Sơn (Hà Nội) cũng vào tầm ngắm xử lý, đến nay nhiều căn đã bị phá dỡ theo quy định. Những thông tin không mấy tích cực khiến nhiều chủ đầu tư homestay tại Sóc Sơn đang có nhu cầu thoát hàng, thu hồi vốn “khó chồng thêm khó”.

Có những thương vụ đang trong quá trình thương thảo bỗng dưng đổ bể vì khách mua đổi ý hoặc đòi giảm giá thêm. Điển hình như trường hợp của anh Đào Thanh Tùng, chủ một homestay gần khu vực hồ đồng đò, đang bị khách “ép giá” đòi giảm thêm gần 300 triệu đồng.

Cụ thể, theo anh Tùng, gần 3 tháng qua, anh rao bán khu homestay diện tích 1.000m2, có 13 phòng từ trung cấp tới cao cấp, giá 12 tỷ đồng, lỗ gần 1 tỷ đồng so với chi phí đầu tư ban đầu.

“Vắng khách, cộng thêm áp lực lãi vay lên tới hơn 120 triệu đồng/tháng (sau ưu đãi), nên tôi muốn bán để cắt nợ. Sau gần 3 tháng rao bán, tôi đang đàm phán với một khách, sắp thành công thì hàng loạt thông tin bên lề xảy ra khiến khách "quay xe” đòi giảm giá thêm, anh Tùng nói với VnBusiness.

Còn đủ sức “hút tiền”?

Những thông tin không mấy tích cực chắc chắn sẽ khiến loại hình homestay tại Sóc Sơn và khu vực núi Cấm bị “mất giá”. Nhưng không chỉ có vậy, việc dính “liên hoàn phốt” còn khiến giới quan sát dự báo về một tương lai không mấy tươi sáng cho loại hình homestay trên cả nước.

Có một sự thật dễ thấy là sau thời gian “sốt xình xịch”, các khu vực từng là điểm nóng phát triển homestay như Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, vùng ven Hà Nội... hiện rơi vào cảnh nguội lạnh. Nhiều nhà đầu tư “ngộp” tài chính buộc phải rao bán lại với mức giảm giá cả tỷ đồng.

Khảo sát trên các trang chuyên giao dịch bất động sản phổ biến nhất hiện nay cũng cho thấy tình trạng nhà đầu tư “vỡ mộng”, chào bán "thoát hàng" homestay đang lan rộng, nhưng giao dịch nhỏ giọt.

Trong một bài viết trước về chủ đề này, VnBusiness dẫn lời anh Nguyễn Trọng Nghĩa, môi giới chuyên về homestay tại khu vực Hòa Bình, cho hay sở dĩ thanh khoản thấp, mua qua bán lại khó là bởi mặt bằng giá đã được đẩy lên cao. 70% lượng rao bán “cắt lỗ” hiện tại chỉ là “cắt lãi”.

“Tình trạng ế chỉ ở phân khúc trên 10 tỷ đồng. Các homestay quy mô nhỏ, giá vài tỷ đồng hiện vẫn khá đắt khách. Tôi vừa bán thành công một căn 5,3 tỷ đồng tại xã Tiến Sơn (Lương Sơn), dù giá giảm gần 2 tỷ đồng so với đầu năm 2022 nhưng chủ vẫn lãi khoảng 300 triệu”, anh Nghĩa tiết lộ.

Cũng theo anh Nghĩa, đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính gặp áp lực lớn khi hết hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi. Giá khó có thể giảm kịch sàn nhưng thị trường xuất hiện các sản phẩm giá tốt khi chủ chấp nhận “cắt lãi”, mở ra cơ hội cho những người có sẵn tiền mặt.

Có thể thấy, homestay vẫn là một trong những phân khúc được đánh giá cao về tiềm năng sinh lời, tuy nhiên, những khó khăn chung của thị trường cộng với hàng loạt thông tin tiêu cực thời gian qua khiến loại hình giảm sức hút rõ rệt, và khó cải thiện trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh các địa phương đang siết chặt xử lý vi phạm, các nhà đầu tư mới muốn rót tiền vào homestay để bắt đáy, săn hàng ngộp, cần tính toán kỹ về giá cả và đặc biệt là pháp lý để tránh mua phải sản phẩm vi phạm trật tự xây dựng rồi “mất cả chì lẫn chài”.

“Dư địa phát triển của homestay vẫn khá tốt, tuy nhiên, trong thời “vàng thau lẫn lộn”, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, tiềm năng sinh lời, đặc biệt cẩn trọng tại các vùng đã từng xảy ra “sốt” để tránh mua phải sản phẩm đã bị thổi giá quá cao”, một chuyên gia khuyến cáo.

Hưng Nguyên