Mỹ cấm chuỗi nhà thuốc Rite Aid dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt

Mỹ cấm chuỗi nhà thuốc Rite Aid sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ảnh: Theo Reuters.

Reuters đưa tin ngày 20/12, Ủy ban thương mại liên bang ỹ (FTC) đã yêu cầu chuỗi nhà thuốc Rite Aid ngừng sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong vòng 5 năm tới, do quan ngại những tác động tiêu cực đối với khách hàng.

Theo cơ quan FTC, công ty Rite Aid đã triển khai giải pháp nhận diện khuôn mặt dựa trên công nghệ í tuệ nhân tạo từ năm 2012 đến 2020, nhằm giám sát và ngăn chặn những đối tượng có ý định trộm đồ trong cửa hàng hoặc những hành vi gian lận khác.

Tuy nhiên, ông Samuel Levine, Giám đốc phụ trách mảng bảo vệ khách hàng của FTC cho rằng, việc Rite Aid sử dụng công nghệ giám sát này đã có lần gây ra sự cố xác định nhầm khách hàng là người trộm đồ. Điều này tác động tiêu cực đến uy tín của khách hàng, có thể gây tổn hại khác về mặt tinh thần.

Ngoài ra, công ty Rite Aid cũng không huấn luyện nhân viên về những sai sót có thể gặp phải trong quá trình sử dụng công nghệ.

Ngoài lệnh cấm nói trên, FTC cũng yêu cầu Rite Aid và các công ty khác liên quan xóa bỏ tất cả dữ liệu liên quan đến chương trình công nghệ trên.

Về phía Rite Aid cho biết công ty đã triển khai chương trình thử nghiệm này ở một số cửa hàng và đã ngừng sử dụng từ cách đây hơn ba năm, trước khi FTC bắt đầu tiến hành điều tra về việc Rite Aid sử dụng công nghệ này.

Đồng thời, công ty sẵn sàng thỏa thuận với FTC để chấm dứt những sự cố không mong muốn nói trên.

Giới chuyên gia nhận định, lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại trong vấn đề quản lý, sử dụng an toàn công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt là giải pháp công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xác định danh tính thông qua việc phân tích đặc điểm khuôn mặt.

Thời gian qua, những công cụ trí tuệ nhân tạo đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ. Ông Mandeep Singh, chuyên gia tại Bloomberg Intelligence cho biết: "Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động chi tiêu công nghệ thông tin, quảng cáo và an ninh mạng khi công nghệ này phát triển bùng nổ".

Khi các công cụ trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, công nghệ này được kỳ vọng sẽ mở rộng sang các ngành và đáp ứng đa dạng nhu cầu hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng lưu ý, trí tuệ nhân tạo đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức với những lo ngại về mức độ tin cậy liên quan đến dữ liệu, thuật toán và ứng dụng. Vì vậy, để tối ưu hóa những lợi ích của AI, điều quan trọng là phải khiến công chúng tin tưởng rằng công nghệ này đang được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm.

Mới đây, 18 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Đức, Italy, Australia, Singapore... đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy doanh nghiệp tạo ra các hệ thống trí tuệ nhân tạo an toàn ngay từ khâu thiết kế trước nguy cơ bị lạm dụng.

Đây là thỏa thuận không mang tính ràng buộc và chủ yếu đưa ra các khuyến nghị chung như giám sát các hệ thống trí tuệ nhân tạo, bảo vệ dữ liệu trước việc bị giả mạo và kiểm tra nhà cung cấp phần mềm.

Hà Anh