Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào tốp 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước

Thu ngân sách ước 17.771 tỷ đồng

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ệ An năm 2023 ước đạt 7,14%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,54%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,8%; khu vực dịch vụ ước tăng 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,65%.

Năm 2023, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nghệ An đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò dài gần 11km nối khu đô thị TP Vinh và thị xã Cửa Lò. Khi hoàn thành, đây sẽ là đại lộ lớn nhất tỉnh Nghệ An, đồng thời công trình được kỳ vọng tạo trục giao thông kết nối nhanh khu vực đô thị là TP Vinh và thị xã Cửa Lò, tạo cơ sở thu hút đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt hơn 1,2 triệu tấn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,62% tổng số xã (số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã); 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,5%; Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 3,87%; đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,52% so với năm 2022 (là năm thứ 3 tỉnh Nghệ An hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh).

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, đạt 12,07% dự toán (trong đó, thu nội địa ước thực hiện 16.600 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.150 tỷ đồng).

Cảng Cửa Lò hiện nay là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An nói riêng cũng như trên cả nước nói chung.

Các công trình trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ (như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ),…).

Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Dự kiến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, thể thao và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở. Tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 5.322 căn nhà, gần đạt mục tiêu của năm 2023 là 5.500 căn.

Hiện, Nghệ An vẫn còn 15.375 hộ nghèo có nhu cầu cải thiện nhà ở. Để đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ này “an cư", tỉnh Nghệ An lên kế hoạch tổ chức chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn này.

Ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực; hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại tỉnh cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, gồm: Có 3/28 chỉ tiêu dự kiến khó đạt mục tiêu đề ra: Tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước mặc dù vượt 12,07% so với dự toán, nhưng thấp hơn so với thực hiện năm 2022 (chỉ bằng 79,02% so với thực hiện năm 2022). Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là đất đai, khoáng sản, môi trường…

Nghệ An thu hút vốn FDI vượt mốc 1,6 tỷ USD

Tính đến ngày 22/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm (30.000-35.000 tỷ đồng).

Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đã đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.

Có thêm dự án mới, Nghệ An sắp chạm mốc 1,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023.

Lũy kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 130 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỷ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay.

Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny..., bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,...

Mục tiêu tổng quát là xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.

Mặc dù kết quả còn khiêm tốn nhưng đây được xem là kết quả đáng ghi nhận sau 27 năm kể từ khi Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, để đạt được kết quả như trên Nghệ An đã chuẩn bị 5 điều kiện mà tỉnh gọi là “5 sẵn sàng”. Trong nhiều năm trước, tỉnh Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với sự nỗ lực, kiên trì của tỉnh, trong những năm gần đây, Nghệ An đã có bước chuyển tích cực về thu hút FDI.

Nguyễn Anh Ngọc