Ngành thẩm mỹ chui gây ra cái chết của hot girl Trung Quốc

Giữa tháng 7, tin tức về Tiểu Nhiễm, một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc tử vong vì biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ, gây xôn xao dư luận.

Người phụ nữ 33 tuổi đã được hút mỡ và nâng ngực tại một phòng khám tư ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang vào đầu tháng 5. Quá trình này kéo dài khoảng 5 tiếng.

Tuy nhiên, sau khi trở về nhà, Tiểu Nhiễm trải qua những cơn đau dữ dội. Cô nhập viện hai ngày sau đó và được kết luận bị nhiễm trùng sau phẫu thuật. Sau hai tháng điều trị, bệnh nhân đã qua đời.

Ngày 15/7, Ủy ban Y tế thành phố Hàng Châu kết luận phòng khám thẩm mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Ủy ban cho biết thêm phòng khám thiếu chuyên môn, mắc lỗi trong quá trình hoạt động và không đưa ra phương pháp điều trị kịp thời sau đó. Cơ sở này đã bị đóng cửa.

"Vụ việc là một lời cảnh tỉnh cho chúng tôi để tăng cường quy định quản lý các cơ sở y tế và ngăn chặn sự hỗn loạn trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ", ủy ban cho biết.

Tiểu Nhiễm qua đời sau hai tháng hút mỡ, nâng ngực. Ảnh: Weibo.

Cái chết của Tiểu Nhiễm một lần nữa làm dấy lên cuộc thảo luận ở Trung Quốc về hiểm họa của phẫu thuật thẩm mỹ và sự giám sát lỏng lẻo trong lĩnh vực này.

Người dùng mạng xã hội đang sử dụng các hashtag liên quan để kể về những câu chuyện dao kéo hỏng của chính bản thân hay những người nổi tiếng trong thời gian gần đây.

Năm ngoái, một phụ nữ 32 tuổi ở Thành Đô tử vong sau khi phẫu thuật hút mỡ tại một phòng khám được cấp phép chỉ một tháng trước đó.

Đầu năm nay, nữ diễn viên Gao Liu gây sốc cho người hâm mộ sau khi chia sẻ việc mũi bị hoại tử vì dao kéo hỏng.

Giữa tháng 7, một cô gái bị yếu cơ nghiêm trọng sau khi tiêm thuốc giảm mỡ ở chân tại một phòng khám thẩm mỹ không được cấp phép ở Thượng Hải.

Sự hỗn loạn của ngành công nghiệp trị giá 27 tỷ USD

Từng được coi là lĩnh vực độc quyền của những người giàu có và nổi tiếng, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trở nên bình thường và thịnh hành tại Trung Quốc.

Theo một báo cáo được công bố bởi công ty tư vấn Deloitte, ngành công nghiệp y tế - thẩm mỹ của đất nước tỷ dân, bao gồm phẫu thuật, tiêm và điều trị da, đã tạo ra doanh thu khoảng 27 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 1/5 tổng doanh thu toàn cầu.

Hiệp hội Tạo hình và Thẩm mỹ Trung Quốc dự đoán rằng thị trường phẫu thuật thẩm mỹ sẽ đạt giá trị 46 tỷ USD trong vài năm tới.

Nhu cầu làm đẹp ngày càng mở rộng thậm chí đã tạo ra một thế hệ khách hàng mới, những người trẻ chi tiền cho các ca phẫu thuật mạo hiểm hơn, lạ lùng hơn như mở rộng tai, làm teo cơ chân, tái tạo bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, do thiếu quy định quản lý, các phòng khám thẩm mỹ không chuyên môn, giấy phép đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp mọi thứ từ tiêm botox, chất làm đầy, điều trị laser cho đến làm ngực, nâng mũi, căng da mặt và thu gọn vòng eo.

Ngành phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ một cách thiếu kiểm soát tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Một nghiên cứu do công ty tư vấn iResearch công bố vào năm ngoái cho thấy Trung Quốc có khoảng 100.000 phòng khám làm đẹp đang hoạt động nhưng chỉ có 13.000 nơi được cấp phép.

Hơn 80.000 phòng khám chui, bất hợp pháp phân bố trên khắp cả nước. Theo Global Times, 70% thủ thuật thẩm mỹ từ đơn giản cho đến phức tạp đều diễn ra ở các phòng khám chui vì thủ tục dễ dàng, chi phí rẻ.

Kết quả, Trung Quốc ghi nhận 40.000 tai nạn y tế do dao kéo hỏng mỗi năm, tức trung bình 110 ca/ngày.

Sự gia tăng các vụ tai nạn liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ còn làm dấy lên cuộc thảo luận trực tuyến về các vấn đề hình ảnh cơ thể.

Nhiều người chỉ ra rằng các tiêu chuẩn sắc đẹp cứng nhắc và vô số quảng cáo làm đẹp thường xuyên phóng đại đang khiến các cô gái trẻ dễ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình hơn bao giờ hết. Cuối cùng, họ quyết định dao kéo để đạt được sự hoàn thiện về thể chất trong mắt người khác.

Brenda Alegre, giáo sư nghiên cứu về giới ở ĐH Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc), nói rằng "việc tuân theo chuẩn mực vẻ đẹp lý tưởng khiến một người trở nên được khao khát hơn, không chỉ trong tình yêu mà cả ở công việc".

Còn Chelsea Yang, cố vấn sức khỏe tâm thần, cho rằng sự phát triển của mạng xã hội là yếu tố chính thúc đẩy cái mà bà gọi là cơn sốt "phẫu thuật thẩm mỹ mọi thứ" ở Trung Quốc.

"Nhìn bề ngoài, có vẻ như những cô gái ấy tự nguyện thay đổi ngoại hình, nhưng lý do đằng sau đó luôn là áp lực mà họ phải chịu bởi một xã hội nam quyền", bà Yang nói.

Lê Vy