Ngược chiều nhóm VN30

Kỷ nguyên tiền rẻ vẫn tiếp diễn cùng với sự ổn định tình hình vĩ mô trong nước đã thúc đẩy sự tham gia của dòng vốn nội.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) chỉ trong tháng 5, đã có hơn 113.540 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, tiếp tục là một con số kỷ lục trong lịch sử. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới hơn 479.800 tài khoản. Từ đây, có thể thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam. Những phiên đầu tháng 6 ghi nhận dòng tiền hàng tỉ USD đổ vào thị trường, giúp chỉ số VN-Index lập đỉnh mới với hàng loạt mã tăng trần.

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SSI, chia sẻ: “Thị trường phát triển quan trọng nhất là dựa vào nguồn vốn nhàn rỗi của người dân”. Ông Hưng cho rằng hiện vẫn chưa nhìn thấy các rủi ro lớn của khủng hoảng tài chính và nguồn tiền tiết kiệm đã chuyển sang đầu tư chứng khoán lớn, kể cả khi công ty chứng khoán hết hạn mức cho vay ký quỹ, dòng tiền vẫn tăng. Vấn đề cần làm là đảm bảo hệ thống thông suốt, không bị gián đoạn để không tạo nghi ngại cho nhà đầu tư và tạo ra nhiều sản phẩm để nhà đầu tư lựa chọn, tăng việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp, chứ không chỉ phát triển thị trường thứ cấp.

Chỉ tính riêng Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), mỗi phiên nhà đầu tư đã rót vào hơn 21.900 tỉ đồng. Dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường chứng khoán liên tục thăng hoa.

Lũy kế từ đầu năm 2021 đến ngày 2.6.2021, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 21,5% và hiện đang được giao dịch quanh vùng giá 1.340 điểm. Trong khi đó, chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 lại thể hiện sự vượt trội với mức tăng hơn 38,1%, gần gấp đôi so với mức tăng của thị trường. Chỉ số VN30 đang được giao dịch quanh mốc 1.478 điểm (ngày 2.6.2021), chênh lệch hơn 138 điểm so với VN-Index.

Mặc dù nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thu hút dòng tiền là thế, nhưng trong nhóm này lại có sự phân hóa dòng tiền rõ rệt. Dòng tiền chỉ tập trung ở một vài cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và thiếu đi sự lan tỏa.

Theo thống kê của NCĐT trong khoảng thời gian từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ có khoảng 50% cổ phiếu có mức tăng về thị giá bằng hoặc cao hơn so với cả chỉ số VN-Index và VN30. Và khoảng cách giữa top đầu tăng giá với các cổ phiếu còn lại thuộc nhóm này rất lớn.

Cụ thể, dẫn đầu đà tăng của nhóm cổ phiếu VN30 là cổ phiếu NVL của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NovaLand) và VPB của Ngân hàng VPBank với mức tăng lần lượt 127,8% và 116% từ đầu năm đến nay.

Novaland có cú hích tăng trưởng với doanh thu bán bất động sản đạt 4.100 tỉ đồng (tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm trước). Còn VPBank lại hoàn tất một thương vụ bán vốn tại FE Credit, ước tính thu về gần 1,4 tỉ USD.

Ngoài NVL và VPB, các cổ phiếu khác như HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, PDR của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và các cổ phiếu ngân hàng như TCB của Techcombank, STB của Sacombank, MBB của Ngân hàng Quân Đội (MB) cũng ghi nhận đà tăng trên 60%.

Hiện tại, trong nhóm VN30, cổ phiếu ngành ngân hàng đang chiếm 30% về số lượng. Tại thời điểm thống kê vào ngày 2.6.2021, ngoại trừ cổ phiếu của 2 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank (mã VCB) và BIDV (mã BID), thì các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều tăng giá mạnh mẽ, vượt qua mức tăng chung của thị trường.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, dòng tiền còn có sự phân hóa lớn giữa các cổ phiếu còn lại trong nhóm VN30. Mức tăng về thị giá của nhiều cổ phiếu chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với đà tăng chung của thị trường. Thậm chí, nhiều cổ phiếu còn giảm mạnh ngay cả trong thị trường tăng giá. Có thể kể đến những cái tên như BVH, VNM, VJC, POW.

Như vậy, có thể thấy mặc dù thị trường chung tích cực, nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Việc lựa chọn cổ phiếu và chiến lược đầu tư luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đầu tư. Ở bối cảnh thị trường hiện tại, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế mua đuổi ở các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh như thép, ngân hàng và chứng khoán, đồng thời hạn chế sử dụng đòn bẩy cao.

Vũ Hoài