Nhà ở cho công nhân ở Hà Nam còn nhiều khó khăn

Khu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Văn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).

Tỉnh Hà Nam hiện có bảy khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn một nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với gần 70 nghìn lao động đang làm việc, trong đó có nhiều lao động là người ngoài tỉnh và các chuyên gia nước ngoài. Để thuận tiện cho công việc cũng như bảo đảm cuộc sống, phần lớn công nhân có nhu cầu về nhà ở ổn định. Tuy nhiên, với thu nhập của người công nhân hiện nay, để mua được mảnh đất hay căn nhà ở gần khu công nghiệp là điều không dễ dàng. Vì vậy họ trông chờ tỉnh Hà Nam có các dự án nhà ở giá rẻ, hay dự án nhà ở cho thuê.

Sau gần 10 năm từ tỉnh Hòa Bình về Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam làm việc tại Công ty dây dẫn Sumi Hà Nam, vợ chồng anh Trần Văn Dũng cùng đứa con nhỏ vẫn phải thuê căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn 15 m2 (gồm cả bếp và công trình phụ) ở cách khu công nghiệp chừng hai cây số với giá 800 nghìn đồng/tháng. Anh Dũng cho biết, thu nhập của vợ chồng anh được 15 triệu đồng/tháng, đang nuôi con nhỏ, mỗi tháng anh chị chỉ tiết kiệm để ra được vài ba triệu đồng. Anh chị rất muốn mua một mảnh đất xây nhà ở gần khu công nghiệp để thuận lợi cho công việc nhưng với thu nhập như hiện nay thì điều này còn rất xa xôi. Hiện tại, để mua mấy chục mét vuông đất xây nhà ở gần khu công nghiệp cũng phải có từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hà, công nhân ở Khu công nghiệp Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam thuê phòng trọ từ 10 năm nay. Với khoản tiết kiệm từ ba triệu đến bốn triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng anh chị không dám nghĩ đến việc sẽ mua được mảnh đất để xây nhà ở đây. Vợ chồng có con nhỏ nên anh chị phải xin công ty cho làm khác ca để có thời gian thay nhau chăm sóc con. Câu chuyện của anh Dũng, chị Hà là tình trạng chung của phần lớn các cặp vợ chồng công nhân lao động (CNLÐ) hiện nay, dù họ đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm hết sức có thể nhưng với khả năng tài chính còn hạn chế, mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị khiến hầu hết CNLÐ không đủ khả năng để sở hữu một khu đất riêng để cất nhà.

Tỉnh Hà Nam hiện có bảy khu công nghiệp thu hút gần 70 nghìn lao động đang làm việc, trong đó có 36% là lao động đến từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái. Số lao động ngoại tỉnh này đang phải thuê trọ trong những căn phòng chật hẹp, trung bình chỉ xấp xỉ 10 m2 với giá cao. Thực tế, không chỉ công nhân ngoại tỉnh mà công nhân có hộ khẩu tỉnh Hà Nam nhưng nhà cách xa các khu công nghiệp từ 30 đến 40 km cũng có nhu cầu mua nhà ở với giá rẻ hoặc được thuê các căn hộ với giá rẻ. Nhu cầu về nhà ở của các công nhân lao động là rất lớn, song ở tỉnh Hà Nam, các dự án nhà ở xã hội hoặc các dự án căn hộ cho thuê còn rất ít. Tại Khu công nghiệp Đồng Văn 3 và Đồng Văn 4, tỉnh Hà Nam đã cấp đất cho doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, song các doanh nghiệp này đều chưa triển khai xây dựng.

Một trong những dự án nhà ở xã hội cho người lao động đầu tiên được triển khai ở tỉnh Hà Nam thời gian qua là khu thiết chế công đoàn thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên. Khu thiết chế được quy hoạch trên diện tích 4,7 ha, gồm 21 tòa nhà với 1.007 căn hộ, chia thành ba giai đoạn xây dựng. Giai đoạn một xây dựng năm tòa nhà ở và một nhà văn hóa. Giai đoạn hai xây 10 tòa nhà ở và trường học cho con em lao động. Giai đoạn ba xây dựng tám tòa nhà còn lại và các công trình phụ trợ. Hiện, giai đoạn một đã hoàn thành với 297 căn hộ có diện tích 25 m2 và 45 m2. Các căn hộ này chỉ dành cho thuê và đã có hơn 400 CNLĐ đăng ký. Ông Trịnh Văn Bừng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đầu tư các nhà ở xã hội cho công nhân và tập trung ở các khu công nghiệp đang tập trung đông công nhân. Đồng thời quan tâm xây dựng nhà ở xã hội có các công trình phúc lợi đi kèm, đặc biệt là nhà trẻ. Đây cũng là một trong những môi trường thuận lợi để thu hút và giữ chân các lao động đến làm việc và yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với tỉnh Hà Nam.

Xét về góc độ thị trường, theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, phân khúc nhà ở xã hội hiện có tiềm năng rất lớn, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, đầu tư nhà ở cho công nhân đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, thời gian thu hồi vốn dài, khó khăn về vốn và cơ chế hỗ trợ đang là những rào cản khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà tham gia. Nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam hình thành từ sớm nhưng chưa quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, hoặc có quỹ đất thì chưa triển khai được...

Vẫn biết an cư mới lạc nghiệp, nếu vấn đề nhà ở và mức sống của công nhân trong các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam không được quan tâm giải quyết sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp cũng như kết quả thu hút đầu tư của tỉnh. Giải quyết vấn đề nhà ở cũng như cải thiện điều kiện sống của công nhân tại các khu công nghiệp cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Thực hiện tốt vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ yên tâm về nguồn lao động để tiếp tục đầu tư vào tỉnh; người lao động cũng sẽ xác định chọn Hà Nam để gắn bó lâu dài và Hà Nam cũng sẽ đạt được mục tiêu về tăng dân số cơ học một cách bền vững.

ĐÀO PHƯƠNG