Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Kinh tế tập thể là thành phần quan trọng, được khuyến khích phát triển

Chiều 7/4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tổ chức phiên họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chủ trì phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì phiên họp

Chuyển biến tích cực về nhận thức và chính sách pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đây là Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau nhiều năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, và cũng là phiên họp đầu tiên do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp chủ trì.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, những năm qua khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế...

Trình bày rõ hơn về tình hình hoạt động của kinh tế tập thể Việt Nam trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, các chỉ tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đều tăng so với năm trước. Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể trong năm 2022 là gần 8 triệu thành viên. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 976,3 nghìn người.

Các hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 hợp tác xã (chiếm 66,4%) và gần 10.000 hợp tác xã phi nông nghiệp, còn lại là 1.488 hợp tác xã các lĩnh vực khác.

So với năm 2021, doanh thu bình quân hợp tác xã tăng 35%, lên 3,59 tỷ đồng. Lãi bình quân của 1 hợp tác xã 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 56 triệu đồng/người, tăng khoảng 8% so với 2021.

Quý I/2023, Việt Nam tiếp tục thành lập mới 562 hợp tác xã, giải thể 31 hợp tác xã nâng tổng số hợp tác xã cả nước lên 29.909 hợp tác xã. Các tỉnh, thành phố có số hợp tác xã thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 hợp tác xã), Bắc Giang (26 hợp tác xã) và Thái Nguyên (25 hợp tác xã).

Đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh tế tập thể, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết thêm, năm 2022, cả nước có khoảng 1.546 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới.

“Tuy số lượng có giảm so với năm 2020, nhưng tôi đánh giá chất lượng và quy mô hợp tác xã nông nghiệp tăng lên” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh và cho biết, nguyên nhân là năm 2021-2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với phát triển hợp tác xã, hướng đến quy mô sản xuất lớn. Dự định thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu vì đây là hướng đi tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc cung ứng thực phẩm, kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, việc có nhiều hợp tác xã chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn càng khẳng định vai trò không thể thiếu của khu vực kinh tế tập thể với nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể hiện vẫn đang gặp khó khăn về vốn, từ đó đề xuất có thêm những cơ chế, chính sách để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn.

Đây là Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được khẳng định trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành năm 2022.

Nghị quyết số 20-NQ/TW khẳng định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kết quả phát triển kinh tế tập thể năm 2022 như: Năm 2022 khu vực kinh tế tập thể đã phát triển cả về số lượng và chất lượng; nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước,…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số; hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; nguồn lực triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả; do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên hoạt động của Ban chỉ đạo trong 2 năm vừa qua chưa được thường xuyên, liên tục…

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, trong năm 2023, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, cùng với những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ các công việc, các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...

Nguyễn Hòa