Phục vụ tiêu dùng dịp Tết Giáp Thìn: Chủ động nguồn hàng chất lượng

Bảo đảm nguồn cung

Thời điểm này, Công ty TNHH Nước giải khát và bao bì thực phẩm Vinaken (Cụm công nghiệp (CCN) Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa) - DN chuyên sản xuất bia và nước I-on kiềm đóng chai đang tập trung sản xuất theo kế hoạch và các đơn hàng Tết. DN dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 430 nghìn lít bia (250 nghìn chai, 19 nghìn lon và hơn 200 nghìn lít). Ông Phạm Đức Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, bối cảnh nền kinh tế khó khăn, dự báo sức tiêu thụ bia giảm nên đơn vị chỉ sản xuất lượng hàng bằng khoảng 80% so với dịp Tết Nguyên đán năm trước.

Siêu thị GO! Bắc Giang (TP Bắc Giang) bày bán hơn 25 nghìn loại sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn.

Theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 5 DN đang sản xuất các loại thực phẩm chế biến, nước giải khát, bia, bánh kẹo. Các DN đều có kế hoạch sản xuất hàng Tết, tuy nhiên tại thời điểm này, việc sản xuất vẫn cầm chừng để “nghe ngóng” thị trường, bởi nguồn cung hàng hóa trong và ngoài tỉnh vào ắc Giang năm nay dồi dào, giá cả ổn định. Dự báo xu hướng người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu, thuộc phân khúc trung bình; các mặt hàng cao cấp, hàng hóa nhập ngoại có xu hướng tiêu thụ giảm.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay, cơ quan chức năng dự báo có khoảng 1,8 nghìn tấn gạo, đỗ các loại; hơn 6,9 nghìn tấn thực phẩm tươi sống; 693 tấn rau xanh, củ, quả và hàng trăm tấn thực phẩm công nghệ (bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; mỳ chính, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn, rượu, bia, nước giải khát…) được cung ứng ra thị trường, tổng trị giá khoảng 2,21 nghìn tỷ đồng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nông sản, thực phẩm dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 (tính từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024), gồm: 200 nghìn tấn rau, củ, quả; 44,7 nghìn tấn thịt lợn; 32,5 nghìn tấn gia cầm; 1,6 nghìn tấn thịt bò; 69 nghìn quả trứng gia cầm; 14,2 nghìn tấn thủy sản. Sản lượng trên có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh và cung cấp cho các tỉnh, TP lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng công nghệ phẩm như: Bánh kẹo, dầu ăn, mứt, đồ hộp đóng sẵn, hàng may mặc, giày dép… qua khảo sát thực tế và từ kinh nghiệm cung ứng hàng hóa ở những năm trước, các DN, thương nhân đã có sự đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Hầu hết các DN đều chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ Tết…

Hiện một số DN phân phối hàng tiêu dùng lớn trong tỉnh như: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành, xã Song Khê; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Dũng Tiến, CCN Thọ Xương (cùng TP Bắc Giang); Công ty TNHH Đức Oanh, thị trấn Chũ (Lục Ngạn); các siêu thị lớn như: GO! Bắc Giang, Co.opmart, The City… cũng đã chuẩn bị đủ nguồn hàng với hàng chục nghìn loại sản phẩm cung ứng cho người dân.

Các sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn.

Ông Hoàng Việt Bách, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành thông tin: “Chúng tôi đang hợp đồng phân phối với gần 40 đối tác trong và ngoài nước cho khoảng 5 nghìn nhãn hàng. Hiện sản lượng hàng hóa do Công ty cung ứng giảm so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng DN cam kết 100% sản phẩm đều đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)”.

Quản chặt thị trường

Dù bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn song dự báo sức mua hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng. Theo Sở Công Thương, đơn vị đã có kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024. Cùng đó, yêu cầu các đơn vị, DN, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, thương nhân trong tỉnh sản xuất, cung ứng các loại sản phẩm bảo đảm chất lượng, ATVSTP, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ và an ninh trật tự; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Quan tâm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Thành (TP Bắc Giang) "check" mã sản phẩm trước khi xuất kho.

UBND các huyện, TP trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện sớm các giải pháp kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường trên địa bàn quản lý; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường Tết. Trong đó, đặc biệt quan tâm công tác bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu các đối tượng chính sách, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, người dân thuộc các vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Giang cho biết, để ngăn ngừa tình trạng gian thương trục lợi trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết cổ truyền sắp tới, Cục đã chỉ đạo Đội QLTT các huyện, TP ứng trực 24/24 giờ; tăng cường quản lý địa bàn, chủ động nắm vững diễn biến tình hình thị trường. Phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên các lĩnh vực, mặt hàng trọng yếu tại các địa phương, tuyến đường trung chuyển hàng hóa trọng điểm.

Các Đội QLTT trực thuộc sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa thiết yếu như: Bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại... Qua đó, góp phần để thị trường hàng hóa dịp Tết lưu thông thuận lợi, giá cả ổn định, bảo đảm chất lượng, góp phần cho người dân vui xuân, đón Tết an toàn.

Bài, ảnh: Thế Đại