Sách về cuộc cách mạng công nghệ tài chính

Những năm gần đây, nền tảng kinh doanh dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong lĩnh vực tài chính (FinTech - viết tắt của Financial Technology) ngày một phủ sóng trên thị trường.

Nhiều ý tưởng mới trong ngành này đã được hiện thực hóa và có mặt ở các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, quản lý tài sản và dữ liệu.

Những mô hình kinh doanh FinTech dần bắt kịp xu thế của thời đại công nghệ 4.0. Cuốn sách The FinTech Book (NXB Thông tin và Truyền thông phát hành) do Susanne Chishti và Janos Barberis viết giúp độc giả hiểu được tại sao và làm thế nào công nghệ tác động đến hầu hết lĩnh vực trong ngành dịch vụ tài chính.

Sách The FinTech Book. Ảnh: H.T.

Những kiến thức cơ bản về FinTech

The FinTech Book là cuốn sách đầu tiên được tạo ra bởi cộng đồng toàn cầu, đề cập những đột phá, phát kiến đổi mới và những cơ hội sinh lợi cho ngành tài chính.

Susanne Chishti và Janos Barberis cho biết không có một tác giả, tổ chức hay khu vực nào trên thế giới có thể bao quát toàn bộ khía cạnh và sắc thái của FinTech. Vì lẽ đó, một trong những mục tiêu hàng đầu của cuốn sách là lên tiếng, truyền bá hiểu biết về FinTech đến độc giả.

Hai tác giả chia sẻ trong quá trình biên soạn, họ nhận được 189 bài tóm tắt của hơn 160 người viết đến từ 27 quốc gia. Điều này góp phần phục vụ cho việc tạo nên từng phần, mục của The FinTech Book.

Mở đầu cuốn sách, Susanne Chishti và Janos Barberis đưa ra bối cảnh, giải thích ý nghĩa của khái niệm FinTech, từ đó tạo nên nền móng để dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu về các trung tâm FinTech, các thị trường mới nổi, cách thức đổi mới doanh nghiệp...

RéBecca Menat - Giám đốc truyền thông của The Assets - định nghĩa FinTech là một làn sóng mới của các công ty làm thay đổi cách chi trả, gửi tiền, vay, cho vay, và đầu tư tiền của mình. Riêng trong năm 2015, đầu tư vào FinTech đạt tới 22 tỷ USD (bao gồm 4 tỷ USD bảo hiểm).

Con số này được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn nữa. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu “sân chơi” FinTech này có còn cửa cho người chơi mới? Điều này cũng lý giải cho việc tại sao con người lại hào hứng với FinTech đến như vậy.

Từ cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008, FinTech nổi lên và trở thành đại diện cho một cuộc cách mạng kỹ thuật số. Ảnh: Lendbiz.

Giải pháp và tương lai của FinTech

Hai tác giả dành riêng một phần trong cuốn sách để nói về các giải pháp của FinTech. Đó là những phát kiến mới và tiên tiến nhất dành cho cả hai phía: Doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong đó, các giải pháp cho doanh nghiệp mang tính chiến lược đóng vai trò giúp các ngân hàng duy trì vị thế cán cân của mình trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Mặt khác, các giải pháp cho người tiêu dùng gồm những mô hình kinh doanh như gây quỹ cộng đồng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản trên phạm vi toàn cầu.

Susanne Chishti và Janos Barberis chỉ ra ba trụ cột quan trọng trong “ngôi nhà” giao dịch tài chính, gồm khách hàng, ngân hàng và các nhà bán buôn.

Ngành dịch vụ tài chính đang ở trong giai đoạn đầu của sự đột phá kỹ thuật số. Về cơ bản, chúng vẫn phải đáp ứng được bốn nhu cầu thiết yếu của “người chơi”: Đổi tiền, tiết kiệm - đầu tư, tài trợ, hoặc để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro.

Độc giả hẳn sẽ đồng tình khi những nhà lãnh đạo FinTech trên thế giới cho rằng ngành tài chính đang cung cấp cho chúng ta cả một “đại dương cơ hội”. Đáng nói hơn, trong số đó có rất nhiều cơ hội chưa được khám phá.

Susanne Chishti và Janos Barberis phân tích và chỉ ra 5 yếu tố làm thay đổi tương lai của FinTech bao gồm trải nghiệm khách hàng, kết nối Fin - Tech, tiền tệ hóa dữ liệu, các công nghệ mã hóa, và điều chỉnh luật định.

Bằng kiến thức tích lũy riêng và sự tổng hợp từ các bản tóm tắt của những người có liên quan trực tiếp đến FinTech, hai tác giả làm rõ những nhân tố đang dẫn dắt ngành, giúp doanh nhân và nhà đầu tư khai phá cơ hội mới và tối đa hóa tỷ suất đầu tư của mình trong thị trường đang ngày một tăng trưởng này.

Susanne Chishti là CEO của FinTech Circle - mạng lưới đầu tư của châu Âu tập trung vào các cơ hội đầu tư FinTech và tổ chức các chương tình trải nghiệm London FinTech Tours. Bà là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất trong ngành dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở châu Âu, và được bình chọn là một trong số 15 người có ảnh hưởng lớn nhất về lĩnh vực FinTech trên mạng Twitter ở Anh.

Janos Barberis là một chuyên gia Fintech, nằm trong nhóm 50 nhà lãnh đạo Fintech toàn cầu hàng đầu. Anh đã thành lập nên FinTech HK - một nền tảng lãnh đạo tư tưởng và SuperCharger - chương tình tăng tốc khởi nghiệp FinTech với chiến lược biến Hong Kong thành một cửa ngõ đi vào châu Á. Bên cạnh đó, anh còn là thành viên Ban Cố vấn Ủy ban FinTech của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Huế Trần