SẼ TIẾP TỤC SƯU TẦM TƯ LIỆU, GẶP GỠ NHÂN CHỨNG CHO VIỆC BIÊN SOẠN CUỐN SÁCH 'BIÊN NIÊN SỰ KIỆN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ CƠ QUAN VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1946 – 2025)'

Triển khai Thông báo kết luận số 175-TB/ĐU ngày 30/10/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng ốc hội về chủ trương nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội”; Quyết định số 1251/QĐ-VPQH ngày 8/11/2023 của Văn phòng Quốc hội về việc thành lập Ban Biên soạn và Kế hoạch số 2984/KH-VPQH ngày 15/11/2023 của Văn phòng Quốc hội về việc triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946 – 2025)”; để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đảng viên trong toàn Đảng bộ, Vụ Thông tin chủ trì phối hợp với Văn phòng Đảng – đoàn thể, các cơ quan, đơn vị hữu quan, chuyên gia nghiên cứu, biên soạn cuốn sách.

Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Trần Liên Diệp.

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Biên soạn cuốn sách diễn ra sáng 22/02, đề cập về tiến độ triển khai nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946 – 2025)”, Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Trần Liên Diệp cho biết: Đối với công tác sưu tầm tài liệu, Vụ Thông tin đã tổ chức sưu tầm tại các cơ quan, đơn vị (Kho lưu trữ Văn phòng Quốc hội, Thư viện Quốc hội, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Chi cục Văn thư lưu trữ Hà Nội) và đã sưu tầm được khoảng 800 đầu tài liệu với số lượng 4.000 trang.

Tài liệu giai đoạn 1946 – 1960: Sau khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946 Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được thành lập và từng bước kiện toàn tổ chức, phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội. Thời kỳ này, Văn phòng vẫn chưa có Chi bộ riêng mà chỉ là một tổ Đảng trực thuộc chi bộ của Bộ Nội vụ. Từ sau năm 1957, tổ đảng của Văn phòng Ban Thường trực hoạt động thường xuyên hơn. Giai đoạn này là chặng đường phát triển đầu tiên của Văn phòng Ban Thường trực nên những tài liệu thời kỳ này khá ít chủ yếu tài liệu liên quan đến giai đoạn kháng chiến kiến quốc, về hoạt động của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội và danh sách trích ngang cán bộ, công nhân viên Ban Thường trực Quốc hội trong đó có thống kê số lượng đảng viên (20 tài liệu).

Tài liệu giai đoạn 1960 – 1981: Từ năm 1960 đến năm 1976, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng phát triển, số lượng cán bộ, nhân viên và số lượng Đảng viên ngày tăng lên. Giữa năm 1968, Văn phòng Quốc hội đã thành lập được một Chi bộ trực thuộc Đảng bộ khu Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 18/7/1968, Chi bộ đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ đầu tiên và bầu ra một Ban Chi ủy gồm 5 người. Tài liệu lưu trữ công tác đảng của Văn phòng giai đoạn này còn hạn chế, chủ yếu là báo cáo công tác của Văn phòng và của chi bộ theo nhiệm kỳ hàng năm (10 tài liệu).

Từ năm 1976 đến 1981, Chi bộ hoạt động ngày càng thường xuyên hơn. Hàng năm, Chi bộ Đảng của Văn phòng đều tiến hành đại hội. Đến năm 1977, do số lượng đảng viên đông hơn ở các vụ, đơn vị nên các chi bộ lần lượt được thành lập. Trên cơ sở đó, Đảng ủy các cơ quan Dân chính Đảng Trung ương đã ra quyết định thành lập Đảng bộ Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tài liệu thời kỳ này được lưu trữ đầy đủ hơn chủ yếu là các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, quyết định, công văn liên quan đến tổ chức, hoạt động của đảng bộ (50 tài liệu).

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ nhất của Ban Biên soạn cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946-2025)”.

Tài liệu giai đoạn 1981 – 1992: Từ khi thành lập, Đảng bộ ngày càng phát triển, đến năm 1992 Đảng bộ Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã có 150 đảng viên sinh hoạt trọng 11 chi bộ. Đảng bộ Văn phòng luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ trong sạch vững mạnh, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Tài liệu giai đoạn này tương đối đầy đủ nhất là giai đoạn từ năm 1983 – 1992 gồm các tài liệu phổ biến, quán triệt những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; Báo cáo công tác tháng, quý của các Chi bộ và Đảng bộ; Báo cáo tổng kết năm của Đảng bộ…(80 tài liệu).

Tài liệu giai đoạn 1992 – 2007: Đảng bộ Văn phòng Quốc hội là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối I các cơ quan Trung ương. Đảng bộ có vai trò, vị trí quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Văn phòng Quốc hội tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội.

Tài liệu giai đoạn này chủ yếu báo cáo công tác hàng năm của Đảng bộ; tài liệu về phổ biến, quán triệt những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy cấp trên …trong đó có đề tài nghiên cứu “Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ở Văn phòng Quốc hội” từ năm 1991 – 1996 do đồng chí Phùng Trí Nhuận - Bí thư Đảng bộ (khóa VI – VII) làm Chủ nhiệm đề tài. Tài liệu thời kỳ này cũng tương đối đầy đủ (100 tài liệu).

Tài liệu giai đoạn 2007 -2025: Hoạt động của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội gắn liền với hoạt động của Văn phòng Quốc hội. Tài liệu thời kỳ này đầy đủ bao gồm: nghị quyết, quyết định của Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội; kế hoạch, báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết hàng năm, tổng kết nhiệm kỳ của chi bộ, đảng bộ trực thuộc và Đảng bộ cơ quan (500 tài liệu).

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Phiên họp.

Nhận xét chung về tiến độ thực hiện cuốn sách, Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Trần Liên Diệp nhấn mạnh: Những tài liệu sưu tầm được từ các nguồn chính thống, đảm bảo độ chính xác cao đã được cán bộ sưu tầm sắp xếp khoa học. Tuy nhiên từ năm 1946 đến 1976 do ảnh hưởng của chiến tranh nên nhiều tài liệu bị thất lạc, số lượng tài liệu sưu tầm được trong giai đoạn này rất ít. Trong thời gian tới, Vụ Thông tin, Văn phòng Đảng – Đoàn thể sẽ phối hợp với các chuyên gia tiếp tục công tác sưu tầm, gặp gỡ nhân chứng, khai thác tư liệu và đối chiếu nguồn tài liệu liên quan nhằm phục vụ việc biên soạn cuốn sách.

Về công tác tập hợp tài liệu tại các Đảng bộ cơ sở, Chi bộ trực thuộc: Ngày 03/01/2024, Văn phòng Đảng-Đoàn thể đã có văn bản số 567-CV/VPĐ-ĐT yêu cầu các cấp ủy trực thuộc cung cấp thông tin xây dựng cuốn sách “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội (1946-2025)”. Tính đến hết ngày 21/02/2024, có 15/31 cấp ủy trực thuộc gửi thông tin về Văn phòng Đảng- Đoàn thể (Đảng bộ Cục Quản trị III, Đảng bộ Truyền hình Quốc hội Việt Nam,Chi bộ Pháp luật, Chi bộ Vụ tin học, Chi bộ Tư pháp, Chi bộ Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế, Chi bộ Vụ Tổng hợp, Chi bộ Công tác Đại biểu, Chi bộ Vụ Thư ký, Chi bộ Vụ phục vụ hoạt động giám sát, Chi bộ Tư pháp, Chi bộ văn phòng Đảng – Đoàn thể, Chi bộ Vụ Thông tin, Chi bộ Vụ Hành chính, Chi bộ Thư viện Quốc hội, Chi bộ Vụ Tổ chức – cán bộ). Hầu hết thông tin do cấp ủy trực thuộc gửi về Văn phòng Đảng- Đoàn thể chưa được đầy đủ do công tác lưu trữ giai đoạn trước còn thiếu khoa học.

Đối với việc triển khai công tác biên soạn: Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Trần Liên Diệp khẳng định: Vụ Thông tin đã sưu tầm, cung cấp tài liệu liên quan đến lịch sử đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội cho các chuyên gia Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học để thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn cuốn sách.

Thông tin về phương hướng, nhiệm vụ triển khai cuốn sách, Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin Trần Liên Diệp cho biết thêm, Vụ Thông tin, Văn phòng Đảng – Đoàn thể phối hợp với các chuyên gia Viện Lịch sử Quân sự, Viện Sử học tiếp tục khẩn trương đẩy mạnh công tác tổ chức gặp gỡ nhân chứng lịch sử là các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ để khai thác, bổ sung tư liệu, phục vụ công tác biên soạn cuốn sách.

Văn phòng Đảng – Đoàn thể phối hợp với các Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cuốn sách; cung cấp ảnh chân dung, danh sách Bí thư, Phó Bí thư Đảng, Ban chấp hành Đảng bộ qua các nhiệm kỳ để phục vụ xây dựng phục lục cuốn sách./.

Bích Lan