Tế độ người xuất gia

Mục lục bài viết

Hỏi: Thầy Tỳ kheo tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?
Hỏi: Tỳ kheo ni tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?
Hỏi: Mỗi năm, Tỳ kheo và Tỳ kheo được tế độ xuất gia cho bao nhiêu người?
Hỏi: Người xuất gia tự xưng là thánh nhân, chứng đắc pháp thượng nhân, giác ngộ giải thoát mà đang khi vẫn là người phàm thì bị Luật Phật chế tài thế nào?
Hỏi: Một người xuất gia được đang là người phàm mà được người khác cố tình bơm phồng, dàn dựng, dẫn dụ để mọi người tin rằng người xuất gia đó đã chứng pháp thượng nhân, là thánh, là Phật thì có vi phạm luật Phật không?
Hỏi: Mọi người được quyền lựa chọn “khen người tu đầu đà” như một quyền tự do ngôn luận, nhưng vì sao nhiều người cố tình so sánh đối lập, so sánh loại trừ, so sánh khập khiễng nhằm mục đích “chỉ trích”, “chửi rủa”, “xúc phạm” tất cả tăng, ni tu tập trung đạo theo tinh thần Phật dạy?

Hỏi: Thầy Tỳ kheo tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?

Đáp: Tư cách làm thầy của Tỳ kheo theo Luật Ma ha tăng kỳ 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập Đại 22, tr.457c) được quy định như sau: Thầy Tỳ kheo phải đủ 10 tuổi hạ mới được xuất gia đệ tử, nuôi đệ tử, truyền giới. Nói chung thành tựu 10 pháp: tuổi đủ 10 hạ Trì giới, học rộng A tì đàm, học rộng Tỳ ni, học giới, học định, học tuệ, biết rõ pháp xuất tội, đủ khả năng chăm sóc người bịnh, có khả năng giải quyết những khó khăn cho đệ tử.

Hỏi: Tỳ kheo ni tu bao nhiêu năm mới được phép tế độ đệ tử xuất gia?

Đáp: Sư cô 12 tuổi hạ mới được độ người xuất gia: Luật Tứ phần 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập Đại 22, tr.761b-c) điều ba dật đề điều 131 quy định: “Tỳ kheo ni chưa đủ mười hai hạ (chính thức làm Sư cô 12 năm) nhận nuôi đệ tử xuất gia và truyền giới cho người là vi phạm ba dật đề.

Hỏi: Mỗi năm, Tỳ kheo và Tỳ kheo được tế độ xuất gia cho bao nhiêu người?

Đáp: Một năm chỉ độ 1 người xuất gia: Luật Tứ phần 28 (Đại tạng kinh Đại Chánh, tập 22, tr.764a), ở ba dật đề điều 138, Phật quy định rằng tỳ kheo ni độ người xuất gia một năm một người, nếu độ hơn 1 người là phạm giới ba dật đề (yā pana bhikkhunī ekaṃ vassaṃ dve vuṭṭheyya, pācittiyam).

Hỏi: Người xuất gia tự xưng là thánh nhân, chứng đắc pháp thượng nhân, giác ngộ giải thoát mà đang khi vẫn là người phàm thì bị Luật Phật chế tài thế nào?

Đáp: Đạo Phật đề cao chân thật (Pali: sacca, Sanskrit: satya, 真理). Điều đạo đức thứ ba dành cho Phật tử là không được nói láo (Pali: Musāvāda-virata, 妄語戒).

Người xuất gia nào vi phạm đại vọng ngữ (大妄语) tức tự cho mình là người chứng pháp thượng nhân (上人法) tức đã đắc đạo quả, thánh nhân, giải thoát, siêu phàm nhập thánh, đang khi vẫn đang là người phàm, được xem là hành động ừa dối nghiêm trọng đối với cộng đồng Phật giáo và quần chúng; hễ cố tình vi phạm thì người xuất gia phạm tội tẫn xuất, không được sống chung với Tăng đoàn, bị mất tư cách tăng sĩ trọn đời.

Hậu quả của lời tuyên bố dối này sẽ tạo ra hướng dẫn sai lầm, làm hỏng và ngăn cản sự hướng về giác ngộ, giải thoát của người khác.

Hỏi: Một người xuất gia được đang là người phàm mà được người khác cố tình bơm phồng, dàn dựng, dẫn dụ để mọi người tin rằng người xuất gia đó đã chứng pháp thượng nhân, là thánh, là Phật thì có vi phạm luật Phật không?

Đáp: Đại vọng ngữ (大妄语) tức cho mình chứng pháp thượng nhân (上人法) tức đã đắc đạo quả, thành thánh nhân, là Phật có hai hình thức biểu đạt. Trường hợp thứ nhất, tự mình tuyên bố sai sự thật rằng mình đã chứng thánh, là Phật sống.

Trường hợp có bằng chứng xác thực thì vi phạm tội ba la di, bị hình phạt trục xuất khỏi tăng đoàn vĩnh viễn trọn đời. Trường hợp thứ hai, biết người khác bơm phồng mình, làm video, nói lời ca ngợi bằng nhiều hình thức khác nhau để dẫn dụ mọi người rằng đã chứng thánh quả, là Phật mà không đính chính vẫn bị xem là phạm giới đại vọng ngữ.

Hỏi: Mọi người được quyền lựa chọn “khen người tu đầu đà” như một quyền tự do ngôn luận, nhưng vì sao nhiều người cố tình so sánh đối lập, so sánh loại trừ, so sánh khập khiễng nhằm mục đích “chỉ trích”, “chửi rủa”, “xúc phạm” tất cả tăng, ni tu tập trung đạo theo tinh thần Phật dạy?

Đáp: Tăng ni không tu hạnh đầu đà là vì họ trung thành với lời Phật dạy. Do đó việc ca ngợi người tu đầu đà và biến điều này làm cái cớ để xúc phạm Phật giáo và Tăng Ni là “ma tăng” là không thể chấp nhận được. Vì xúc phạm Tăng, Ni là vi phạm luật pháp.

Theo điều 38 Luật An ninh mạng 2016, hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để truyền bá thông tin, dữ liệu nhằm xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, hành vi thóa mạ, xúc phạm người khác trên mạng có thể cấu thành tội làm nhục người khác theo điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Tội này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các mức phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Ghi chú: Nguồn tư liệu hỏi – đáp do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cung cấp.

Ảnh trong bài mang tính chất minh họa