Thảo luận tại tổ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh bày tỏ sự đồng tình đối với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là cần thiết. Đại biểu cho rằng đây là Chương trình mục tiêu quốc gia mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án thành phần với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần.

Đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian vừa qua, Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư của Chương trình.

Về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, theo đại biểu phản ánh vẫn còn gặp một số vướng mắc ở một số nội dung, dự án, tiểu dự án, đang tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh các văn bản liên quan.

Trong khi đó, thời gian thực hiện Chương trình đến nay chỉ còn hơn 01 năm, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp, nhất là các dự án, tiểu dự án về hỗ trợ sản xuất. Một số văn bản về quản lý Chương trình đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhưng qua thực hiện, địa phương vẫn gặp một số vướng mắc.

Điển hình là một số dự án, tiểu dự án liên quan đến việc giải quyết những vấn đề bức xúc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dự án phát triển sản xuất triển khai vẫn còn chậm. Vì vậy, đại biểu nhận định: việc hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 liên quan đến nội dung như cơ bản hoàn thành giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào là hết sức khó khăn, đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh thời gian thực hiện Chương trình còn rất ngắn.

Về nguyên nhân của khó khăn trên, đại biểu cho rằng khó vì đất không còn, trong khi định mức kinh phí hỗ trợ cho địa bàn khó thì rất thấp, những vùng đất còn lại muốn khai hoang, tạo mặt bằng cho dân thì chi phí khá lớn. Như tỉnh Quảng Trị quy định hạn mức hỗ trợ hộ nghèo không có đất, chưa giao đất là 2ha đất rừng, 1ha đất sản xuất, địa phương nào không đủ điều kiện về đất đai thì bố trí kinh phí hỗ trợ cho dân tự ở ổn định theo hình thức xen ghép với định mức hỗ trợ chỉ 22,5 triệu đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở, ý kiến đại biểu nhấn mạnh: đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì việc đối ứng của hộ gia đình là rất khó, với chính quyền địa phương thì mức đối ứng 10% cũng không đủ để làm nhà đúng tiêu chuẩn 3 cứng theo hướng dẫn nên hầu như các địa phương phải kết hợp với UBMTTQVN các cấp để hỗ trợ thêm kinh phí.

Vấn đề nước sạch, đại biểu cho rằng chính sách hỗ trợ quá nhỏ lẻ, manh mún, không phát huy hiệu quả và đề xuất nên để nguyên gói đầu tư như đầu tư điện sáng 500KV, có như vậy, việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch mới đảm bảo các quy chuẩn và lâu dài, bền vững theo phương thức nhà nước đầu tư, dân dùng dân trả tiền. Tuy bỏ ra nguồn lực lớn nhưng hiệu quả sẽ lâu dài còn như hiện nay việc cấp bồn, khoan giếng, hệ thống nước tự chảy chỉ sử dụng được một thời gian nhất định.

Về phạm vi, đối tượng thực hiện là doanh nghiệp, Hợp tác xã, Liên minh HTX, các tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đây là các đối tượng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Chương trình nhưng tại tờ trình và các báo cáo thẩm tra chưa đề cập đến.

Việc văn bản hướng dẫn có yêu cầu các đối tượng doanh nghiệp trên phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số, quy định này gây khó khăn có các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực ngoài khu vực xã đặc biệt khó khăn, hoặc giai đoạn 1 là xã đặc biệt khó khăn mà giai đoạn 2 xã này đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn nhưng doanh nghiệp này đang tạo điều kiện cho người lao động là người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn trồng cây dược liệu và thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra, với trường hợp trên thì doanh nghiệp này có được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hay không.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có quy định sửa đổi, bổ sung, đồng thời rà soát thật kỹ các nội dung trình điều chỉnh để giai đoạn tiếp theo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả.

Nguyễn Thị Lý