TKV - Doanh nghiệp xanh Việt Nam

Bức chỉ dụ trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, ngày 6 tháng chạp năm kỷ hợi, vua Minh Mạng, cho Tổng đốc hạt Hải Yên là Tôn Thất Bật khai thác than ở núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều.

ảng Ninh có trữ lượng than khoảng 3,6 tỷ tấn; 24/01/1884, triều đình Huế cho tư bản Pháp thuê khu mỏ 100 năm; Ngày 24/4/1888, Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (FSCT) thành lập đã hình thành vùng công nghiệp khai thác than tại Quảng Ninh lớn nhất Đông Dương; năm 1955 khu mỏ giải phóng, ta được các nước trong phe XHCN giúp đỡ đã tổ chức lại sản xuất than; ngày 26/12/2005 thành lập TKV, thống nhất quản lý ranh giới tài nguyên, sản xuất kinh doanh than, từng bước hiện đại hóa ngành than. 10 năm trở lại đây, sản lượng khai thác than khoảng 40 triệu tấn/năm, nộp NSNN chiếm tỷ trọng 46-47 % tổng thu nội địa ở địa phương. Năm 2023, TKV nộp ngân sách nhà nước đạt gần 29.000 tỷ đồng. Theo đó, ngành công nghiệp than là động lực lớn nhất thực hiện đô thị hóa tỉnh Quảng Ninh, đạt mức 68,5%, cao hơn trung bình cả nước (40,5%).

Xuân Giáp Thìn, phát triển theo hướng từ nâu sang xanh, phát triển sản xuất bền vững, doanh nghiệp xanh, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, khu tập thể chung cư thợ mỏ kiểm mẫu. Ngày xuân thực mục công trình khai thác than, công trình nhà ở thợ mỏ, công trình hoàn nguyên… mà vui lây.

Công viên trong nhà máy

Một điểm sáng trong phong trào xây dựng doanh nghiệp xanh Việt Nam của TKV, là Công ty Tuyển than Cửa Ông. Doanh nghiệp nghề mỏ với dịch vụ vận chuyển, sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các mỏ than khu vực Cẩm Phả. Tuyển than Cửa Ông mặt bằng sản xuất chính dài 2,5km bám bờ vịnh Bái Tử Long cảnh quan môi trường cần bảo vệ. Xác định rõ trách nhiệm với xã hội, địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động kinh tế, Tuyển than Cửa Ông đặt công tác bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường (BVMT) gắn với các hoạt động sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ than trên bến dưới thuyền.

Tuyển than Cửa Ông mặt bằng sản xuất chính dài 2,5km bám bờ vịnh Bái Tử Long cảnh quan môi trường cần bảo vệ.

Giám đốc Công ty Tuyển than Cửa Ông Đặng Văn Khôi cho biết, để thực hiện được tiêu chí doanh nghiệp sáng - xanh - sạch… theo hướng xây dựng “công viên trong nhà máy” Đảng ủy đã ra nghị quyết, chỉ đạo công tác BVMT rất bài bản, tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cấp ủy chi bộ, cán bộ, đảng viên, người lao động bằng các giải pháp cụ thể đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí cảnh quan môi trường.

Công ty Tuyển than Cửa Ông thành lập Ban chỉ đạo xây dựng doanh nghiệp xanh Việt Nam, có chương trình hành động thực hiện từng mục tiêu xây dựng môi trường sáng – xanh - sạch trong công xưởng, trên bến cảng... Căn cứ vào thực tế và chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị sản xuất để ban hành quy định kiểm tra, thang điểm thi đua cụ thể cho từng tiêu chí môi trường; với mục tiêu 100% công trường, phân xưởng cùng hưởng ứng xây dựng công trình xanh, nhà máy xanh như một chỉ tiêu sản xuất.

Theo đó, 100% các đơn vị của Tuyển than Cửa Ông đã quán triệt các nghị quyết về môi trường, tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên (CBCNV) thực hiện tốt công tác BVMT, chống rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng; thực hiện công xưởng không khói thuốc lá, thuốc lào và thực hiện tốt nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp...

Tuyển than Cửa Ông đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức, ban hành và áp dụng các văn bản về công tác quản lý môi trường; áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO14001:2015; quan trắc môi trường định kỳ hàng năm; đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn, sản xuất than hòa hợp với môi trường; áp dụng hệ thống phun sương dập bụi, phun sương cao áp, bê tông hóa các tuyến đường nội bộ, kho bãi, trồng cây, khuôn viên vườn hoa cây cảnh, đầu tư hệ thống hút bụi, gạt than, máng hứng than rơi vãi trên các tuyến băng tải, cải tạo nền sân và hệ thống bơm nước sạch làm sạch mặt bằng, mặt sàn các tầng nhà máy, mặt bến...

Cảng Cửa Ông đầu mối tiêu thụ than trong nước và quốc tế lớn của TKV.

Đặc biệt, Đề án cải tạo cảnh quan môi trường Nhà máy tuyển và cảng Cửa Ông giai đoạn 2021-2025, hướng tới năm 2030 đã được TKV phê duyệt mỗi năm chi từ 100-150 tỷ đồng cho tôn tạo cảnh quan môi trường. Đây là đề án sát thực với mục tiêu mà địa phương chuyển nền kinh tế từ “nâu sang xanh” sản xuất than thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa với cảnh quan, môi trường sinh thái cảng biển theo định hướng xây dựng doanh nghiệp xanh Việt Nam.

Cụ thể, những tuyến đường trục dọc ngang mặt bằng sản xuất được thảm nhựa và đổ bê tông kiên cố, tạo không gian kiến trúc sạch đẹp. Mặt tiền hai bên đường trồng cây xanh bóng mát, trồng hoa tươi, lắp điện chiếu sáng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Các công trường, phân xưởng tự chăn nuôi chim thú cảnh, như chăn nuôi bày đàn thỏ trắng, chim bồ câu, chim gáy, gà tre… tạo sinh cảnh đẹp ngay trong xưởng thợ của hòn than đen.

Chăm sóc cây xanh, khuôn viên tiểu cảnh được duy trì thường xuyên; công tác vệ sinh công nghiệp, thu gom, phân loại rác thải đầu nguồn, xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định; các văn phòng điều hành, nhà xưởng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học, phối cảnh tổng thể hợp lý; có cánh cổng ra đóng vào mở, tường rào, cây xanh, băng zon, cờ phướn… văn hóa doanh nghiệp.

Hai năm gần đây, Tuyển than Cửa Ông đã trồng trên 64.000 cây xanh, cây ăn quả, cây cảnh, hoa các loại, có trên 5.300m2 cây trồng thảm, trồng viền. Các đơn vị sản xuất còn chủ động đâu là đất trống trồng cây, góp phần thực hiện kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh của TKV và hưởng ứng mục tiêu “Trồng 1 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm là một điển hình nhà máy xanh, với kinh phí đầu tư trên 835 tỷ đồng, xây dựng theo tiêu chí kết cấu gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện địa chất địa hình mặt bằng xây dựng nhà máy trên nền khai trường cũ. Mục tiêu đầu tư phù hợp với điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 24/8/2017.

Nhà máy sàng Khe Chàm công suất 7 triệu tấn năm, kinh phí đầu tư trên 835 tỷ đồng.

Quy mô nhà máy, công suất sàng tuyển 7 triệu tấn/năm; thiết bị mới đan xen với thiết bị công nghệ truyền thống chi phí đầu tư thấp, giảm thời gian thi công, giá thành sản xuất giảm. Cụ thể, dây chuyền sản xuất: Than nguyên khai nhập về được đưa qua sàng phân loại sơ bộ cỡ hạt 80mm (sàng lần 1). Sản phẩm trên sàng nhặt tay thu hồi cục xô, đá thải và bìa đưa vào hệ thống đập thành cỡ hạt 80mm. Than sau đập được nhập cùng với than dưới sàng (cỡ hạt 80mm) được cấp vào các sàng đa mặt dốc (sàng lần 2), sản phẩm trên sàng toàn bộ than cấp hạt 15-80mm được nghiền thành cám 15mm pha trộn với sản phẩm dưới sàng than cám 15mm sau sàng lần 2 thành sản phẩm đảm bảo chất lượng than cám 6a1 cấp cho Nhà máy nhiệt điện Mông Dương.

Quy mô các hạng mục công trình gồm 12 hạng mục chính, từ hệ thống bun ke tiếp nhận than nguyên khai đổ về đến các khâu sàng tuyển và nhập kho chứa sản phẩm. Thiết bị chỉ huy sản xuất theo công nghệ mới kỹ thật số, gồm tổng đài tự động kỹ thuật số dung lượng 40 số, loa phóng thanh, máy bộ đàm cầm tay; thiết bị camera giám sát, đầu thu tín hiệu quang, đầu ghi hình kỹ thuật số 16 kênh. Trên mặt bằng, nhà máy xây dựng trạm điều khiển tự động hóa tại khu vực sàng nghiền và kho thương phẩm để điều khiển toàn bộ các thiết bị từ tiếp nhận nguyên liệu, đến sàng nghiền vận chuyển bằng băng tải đến kho thương phẩm. Hệ thống điều khiển và đo lường tiên tiến, công nghệ điều khiển tại trung với cấu trúc vào/ra phân tán.

Nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm có hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ sản xuất đồng bộ tiên tiến. Hệ thống phòng chống cháy tự động, toàn bộ các thiết bị của hệ thông báo cháy được thiết kế và lắp đặt thiết bị theo tiêu chuẩn ISO 9001, 9002, các thí nhiệm UL, FM, VDS tiêu chuẩn NFPA 72 hoặc EN54 phù hợp với đặc điểm khí hậu, môi trường Việt Nam. Nhu cầu sử dụng nước nhà máy trên 188m3/ngày/đêm được lấy từ nguồn nước sạch tại địa phương; nước sản xuất tưới đường dập bụi và phục vụ cứu hỏa lấy tại hồ sinh thái qua hệ thống bơm 70-100m3/h, đẩy cao 25m và một bể chứa nước trên tầng cao 300m3.

Nhà máy sàng - tuyển than Khe Chàm không chỉ có công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu sàng, tuyển của các mỏ trong khu vực, sản xuất ra các chủng loại than phục vụ nhu cầu của thị trường, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, mà còn vì việc vận chuyển than bằng hệ thống băng tải cấp than tiết kiệm chi phí vận chuyển; giảm tổn thất than, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (bụi, tiếng ồn). Đặc biệt là công trình kiến trúc này đã giải được một bài toán khó về giá thành đầu tư, hạn định sử dụng, phù hợp với phương châm của địa phương chuyển nền kinh tế từ “nâu sang xanh” thân thiện với môi trường.

Chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Chủ tịch Công đoàn than Vàng Danh - Trịnh Văn An xởi lởi cho biết, Khu tập thể công nhân 314 nom như tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, công năng sử dụng thì hợp lý với 132 phòng, đáp ứng chỗ ở cho gần 500 công nhân diện đơn thân xa nhà. Quần thể công trình được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vinh danh là khu chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ vùng than Quảng Ninh.

Khu chung cư 314 của Than Vàng Danh được vinh danh là khu chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ vùng than Quảng Ninh.

Đó là thành tựu của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân lao động Than Vàng Danh gây dựng để lại. Than Vàng Danh có lịch sử mở mỏ ngay từ những năm đầu Nhà Nguyễn cho tư bản Pháp thuê vùng than Đông Bắc. Năm 1955, ta tiếp quản mỏ khai trường chủ yếu là khai thác than thủ công, các lán thợ nhếch nhác như ổ chuột. Ngày 6/6/1964, Than Vàng Danh được Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng theo kế hoạch 5 năm lần thứ I, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III (1961-1965).

Ngày ấy, nhà ở tập thể mỏ được xây dựng theo mô hình “trại lính” cốt có nơi ăn ở cho công nhân, xóa tá túc tạm bợ lán phu mỏ ổ chuột; kế đó là trên 30 năm đổi mới dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, Than Vàng Danh được Đảng bộ chính quyền thành phố Uông Bí quan tâm tạo quỹ đất, phát triển khu tập thể công nhân ở theo mô hình mới, đô thị tiên tiến, nhà ở khép kín, công trình vệ sinh liền phòng, nội thất văn minh thiết bị điện nhẹ, âm thanh, ánh sáng đầy đủ đáp ứng đời sống người ở.

Tan ca nhiều thợ mỏ có thú vui tìm hiểu bảo tàng truyền thống mỏ nơi mình làm việc và đọc sách báo… nét đẹp của chung cư 314 Than Vàng Danh.

Trong không khí chào đón xuân mới, phóng viên Báo điện tử Xây dựng được tiếp xúc mới một số công dân ở chung cư 314 Than Vàng Danh. Anh Nguyễn Xuân Đàm, công nhân Phân xưởng Khai thác số 12 vui vẻ cho biết: Khi mới ra mỏ làm than, anh được dân môi giới bất động sản giới thiệu đến ở tại một nhà trọ giá dẻ bìa rừng gần khai trường, nhưng điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, khi thiếu nước khi mất điện, lại trộm đạo; anh bèn tìm đến nhà trọ trong đô thị cũng chẳng hơn. Ngõ phố trật hẹp, chạ người, ồn ào không phù hợp với công việc ca kíp thợ mỏ.

Khi vào ở khu chung cư 314, mình thấy rằng những mặc cảm trước đây cho là ăn ở tập thể gò bó, thì không phải. Ban quản lý chung cư có qui định giờ giấc ăn nghỉ, tránh hò hát quá khuya ảnh hường giấc ngủ chung mọi người và ngăn chặn các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma tuy là rất tốt, đáng hoan nghênh.

Anh Lê Văn Sơn - Phân xưởng Khai thác số 7 cho biết, mình có thâm niên 19 năm làm công nhân than Vàng Danh thì 16 năm ở chung cư 314 này. Anh nhận thấy lãnh đạo Than Vàng Danh ân cần chăm lo nhà ở cho người lao động, như chăm lo cho chính người thân trong gia đình mình, từ bữa ăn tập sao cho cơm nóng canh ngọt, đến giấc ngủ yên tĩnh sau giờ ta ca. Rồi vui chơi văn nghệ bổ ích, tập tành thể thao nâng cao thể lực… anh rất hài lòng.

Than Vàng Danh lực lượng lao động ổn định, sản xuất phát triển là doanh nghiệp đã lo xa xây dựng khu chung cư kiểu mẫu, cho người lao động “an cư lạc nghiệp” giữ chân được người lao động gắn bó với đường lò, với khai trường mỏ mà phát triển sản xuất tốt.

Vì người lao động

Công ty Than Mạo Khê - TKV là 1 trong 64 doanh nghiệp trong cả nước và là đơn vị đại diện duy nhất của TKV vinh dự danh doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023.

Là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, những năm qua, bên canh việc đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, Công ty Than Mạo Khê còn chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong công nhân viên chức lao động.

Giám đốc Công ty Than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân đón nhận danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023.

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Công ty duy trì thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho công nhân viên chức lao động toàn Công ty 1 lần/năm; 6 tháng/lần đối với cán bộ, công nhân viên làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty còn tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư đối với cán bộ, công nhân viên cấp Phó phòng, Phó quản đốc, Tổ trưởng sản xuất và nữ công nhân, viên chức, lao động.

Nhằm nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cho người lao động, Công ty tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền qua các buổi huấn luyện an toàn, đưa các thông tin trên hệ thống đài truyền thanh, mạng nội bộ của Công ty, tạo thành chuỗi hoạt động thiết thực. Song song với đó, Công ty còn chú trọng công tác cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động như: Đầu tư hệ thống quạt phun sương cao áp tại khu vực nhà sàng 56; lắp đặt hệ thống dập bụi tại các diện sản xuất; đầu tư hệ thống chống bụi tại các vị trí rót than, hệ thống thông gió luôn đảm bảo cho người lao động làm việc.

Nghĩa cử mái ấm Công đoàn giúp gia đình thợ mỏ khang trang nhà ở.

Từ đầu năm đến nay, Công ty đã hỗ trợ 5 gia đình công nhân khó khăn về nhà ở xây dựng Mái ấm công đoàn và 3 gia đình chính sách xây sửa nhà ở. Công ty có Khu tập thể Vĩnh Xuân với 300 phòng ở khép kín, tiện nghi đầy đủ, có công viên cây xanh, sân bóng đá, bóng chuyền cho người lao động. Đời sống việc làm, thu nhập của người lao động ổn định với mức thu nhập bình quân 9 tháng đầu năm 2023 là 20,6 triệu đồng/người/tháng (riêng thợ lò 24,2 triệu đồng/người/tháng).

Trả màu xanh cho rừng

Giai đoạn 2021-2025, TKV xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường các dự án kết thúc theo tiến độ. TKV phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ trồng khoảng 150-200ha cây xanh, đến nay đã trồng được khoảng 2.000ha.

Riêng năm 2023, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, cũng như chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, TKV đã phát động phong trào trồng cây đầu năm ngay từ mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão. Các đơn vị thành viên cũng tổ chức trồng cây tại các khu vực bãi thải đã kết thúc đổ thải, xung quanh khai trường, khuôn viên mặt bằng điều hành sản xuất, đường lên bãi thải, các khu vực ranh giới mỏ tiếp giáp dân cư.

Công ty Môi trường - TKV nòng cốt trong việc trồng cây phục hồi môi trường các khu vực kết thúc khai thác đổ thải mỏ.

Ngoài các loại cây truyền thống đã sống và sinh trưởng tốt trên môi trường đất đá thải mỏ như cây keo, năm nay, một số đơn vị cũng đã bắt đầu trồng các loại cây gỗ lớn theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh. Điển hình, năm 2022, TKV đã trồng được 7,44ha các loại cây gỗ lớn; năm 2023 trồng được 1,2 triệu cây xanh trên diện tích 225ha, trong đó có 32,7ha cây gỗ lớn.

Công ty Môi trường - TKV tham mưu cho các mỏ duy trì vận hành có hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục đầu tư khởi công mới công trình môi trường, nhất là các công trình cải thiện môi trường cảnh quan các mặt bằng sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu “Xanh hóa môi trường khai thác mỏ và đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”, triển khai thực hiện “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV”.

TKV và các đơn vị thành viên cam kết sẽ tập trung triển khai, thực hiện tốt Đề án bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Quảng Ninh.

Giai đoạn 2024-2025, TKV phấn đấu mỗi năm trồng 600.000 đến 800.000 cây xanh, tương đương 150-200ha. Tiêu biểu là ngay trong ngày đầu ra quân xuân Quí Mão, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đã trồng được hơn 4.000 cây lát hoa tại khu vực mức +300 bãi thải Nam Khe Tam; Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 bãi thải trong khai trường vỉa 14. Năm 2023, Công ty CP Than Hà Tu đã đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng trồng 13ha cây xanh, như: Cây lát hoa, cây phi lao… Dự kiến năm 2024 này, Công ty CP Than Hà Tu phấn đấu trồng thêm 17,9ha cây xanh tại khu vực bãi thải Chính Bắc.

Khu bãi thải chính Bắc của mỏ Núi Béo đóng cửa, do Công ty Môi trường - TKV phủ xanh, nay rừng tầng tầng lớp lớp khó nhận ra đây từng là khai trường.

Năm 2023, Công ty Môi trường - TKV riêng trồng cây phục hồi môi trường các khu vực kết thúc khai thác đổ thải được 522,96ha. Cụ thể, vùng than Mạo Khê trồng được 24,97ha, vùng Uông Bí trồng được 8,39ha, vùng Hạ Long trồng được 272,847ha, vùng Cẩm Phả trồng được 201,581ha, đó là kết quả của phương châm “xanh hóa” khai trường mỏ.

Vũ Phong Cầm