Trung Quốc dừng đếm ca mắc COVID-19 không triệu chứng, bỏ xét nghiệm diện rộng

Một điểm xét nghiệm COVID-19 bị đóng cửa tại Bắc Kinh, ngày 13/12. Ảnh: Bloomberg

Ngày 14/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo cơ quan này sẽ ngừng công bố dữ liệu tổng hợp về các ca mắc COVID-19 mới, do việc bỏ xét nghiệm bắt buộc diện rộng sẽ khiến các con số không còn phản ánh đúng thực tế.

Cụ thể, từ nay trở đi, Trung Quốc sẽ chỉ báo cáo các trường hợp có triệu chứng vì khó có thể đánh giá số lượng người mắc không triệu chứng nếu không xét nghiệm.

Hôm 13/12, Trung Quốc báo cáo chỉ có 2.249 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Trong khi đó, đặc khu tài chính Hong Kong, với dân số nhỏ hơn gần 200 lần, đã ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm trong cùng ngày.

Sau nhiều năm tiến hành xét nghiệm kỹ lưỡng trên diện rộng và theo dõi dữ liệu đi lại của công dân để truy vết virus SARS-CoV-2, Trung Quốc đã bất ngờ cho thấy dấu hiệu sẵn sàng từ bỏ cách tiếp cận đó từ cách đây ít ngày. Quyết định dừng xét nghiệm đại trà hiện nay đồng nghĩa với việc giới chức y tế nước này không có cách nào chính xác để đánh giá tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo Bloomberg, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy virus đang lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc. Điển hình, các bệnh viện ở các thành phố lớn đã quá tải bệnh nhân COVID-19, còn các cửa hàng trên khắp cả nước đã hết sạch thuốc trị sốt.

Các quan chức địa phương đã tìm cách trấn an người dân rằng Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn cung cốt lõi. Một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin khẳng định nước này có đủ khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm nhanh và vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang tăng cường sản xuất các mặt hàng quan trọng liên quan đến COVID-19.

Theo nhà phân tích thị trường dược phẩm Sam Fazeli của Bloomberg Intelligence, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh chóng sẽ khiến khoảng 5 triệu người phải nhập viện và gây ra 700.000 ca tử vong.

Những năm qua, Trung Quốc đã chia các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 thành các loại có triệu chứng và không có triệu chứng. Đây là cách phân biệt không nơi nào khác trên thế giới áp dụng, vì khiến việc nắm bắt chính xác tình hình lây nhiễm trở nên phức tạp hơn.

Xuân Chi/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)