Trung Quốc khó mở đại học tại Hungary

Vấp phải phản đối

Theo Reuters, những người biểu tình lo ngại rằng cơ sở trị giá gần 2 tỉ USD nói trên có thể làm giảm chất lượng giáo dục đại học và giúp Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng ở Hungary và Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên lo ngại về việc Hungary có thể chuyển hướng ngoại giao từ phương Tây sang Trung Quốc. Dự án cũng được cho làm suy yếu nỗ lực buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc vi phạm nhân quyền, dù Gergely Gulyas, trợ lý cấp cao của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người mạnh mẽ ủng hộ dự án, tiết lộ rằng cơ sở này thậm chí còn chưa ở giai đoạn lập kế hoạch. Ông Gulyas cho biết người dân Budapest sẽ có thể quyết định số phận của dự án trong một cuộc trưng cầu dân ý khi kinh phí xây dựng và các điều kiện khác được hoàn tất. Nếu được xây dựng, cơ sở này sẽ hoàn tất vào năm 2024 với khuôn viên rộng 500.000m2, trở thành cơ sở đầu tiên của Ðại học Phục Ðán tại châu Âu.

Người biểu tình “chiếm đóng” nhiều tuyến đường ở Budapest. Ảnh: AP

Các phương tiện truyền thông Hungary cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng chi trả toàn bộ chi phí xây dựng cơ sở Ðại học Phục Ðán bằng… khoản vay từ Trung Quốc, khiến giới chuyên gia lo sợ Budapest rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Tài liệu nội bộ bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc dự định cho Hungary vay khoảng 1,6 tỉ USD trong tổng chi phí gần 2 tỉ USD đầu tư dự án.

Mặt khác, kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng rồi cho thấy cơ sở trên nhận được sự ủng hộ rất thấp từ công chúng Hungary. Trong đó, khảo sát của Viện Nghiên cứu Công cộng Hungary phát hiện chỉ có 20% người dân ủng hộ dự án.

Giới chức thủ đô Budapest thì nói rằng dự án sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho người nộp thuế và gửi đi thông điệp chính trị sai lầm. Gergely Karacsony, thị trưởng Budapest và là ứng viên hàng đầu thách thức ông Orban trong cuộc bầu cử vào năm sau, nhấn mạnh trước đám đông biểu tình: “Chúng tôi không muốn một cơ sở của đại học Trung Quốc được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người dân Hungary. Và một điều không thể chấp nhận được là Chính phủ Hungary tiếp tay cho việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị của Trung Quốc thay vì thúc đẩy lợi ích của Hungary”. Ông Karacsony hồi tuần trước tuyên bố sẽ đổi các tên đường ở Budapest gần khu vực xây dựng cơ sở Ðại học Phục Ðán nhằm làm nổi bật những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh lên tiếng

Sau cuộc biểu tình, Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch xây cơ sở Ðại học Phục Ðán ở Hungary, qua đó cảnh báo những người chỉ trích kế hoạch.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng kế hoạch này “phù hợp với xu thế hiện nay của thời đại cũng như lợi ích của tất cả các bên. “Chúng tôi hy vọng những người có liên quan ở Hungary có thái độ khách quan, hợp lý và khoa học, tránh chính trị hóa và bêu xấu các hoạt động trao đổi nhân sự bình thường giữa Trung Quốc và Hungary, đồng thời duy trì tình hữu nghị và hợp tác chung giữa 2 nước” - ông Uông bày tỏ. Theo ông Uông, một số chính trị gia Hungary đang thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc để thu hút sự chú ý và cản trở sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hungary.

Dưới thời Thủ tướng Orban, Budapest nỗ lực xây dựng mối quan hệ thân tình với Bắc Kinh, trở thành đồng minh châu Âu đáng tin cậy nhất của Trung Quốc. Hungary nhiều lần tham gia vào các dự án kinh doanh quy mô lớn với Trung Quốc và đã vài lần chặn các tuyên bố của EU, trong đó cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, khiến không ít đồng minh tức giận. Ðáng chú ý, Hungary hồi tháng 4 còn chặn tuyên bố của EU chỉ trích luật an ninh mới của Trung Quốc ở Hong Kong, làm suy yếu nỗ lực của khối 27 thành viên trong việc chống lại hành động hạn chế quyền tự do ở xứ Cảng Thơm của Bắc Kinh. Cũng trong tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời cảm ơn ông Orban vì đã giúp “bảo vệ mối quan hệ tổng thể Trung Quốc - châu Âu”.

EU muốn tái cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc qua thỏa thuận đầu tư

Ngày 7-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Động thái này diễn ra trước thềm các hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ, có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Michel nhấn mạnh nỗ lực hàn gắn của Tổng thống Biden đánh dấu sự trở lại của mối “quan hệ đối tác bền chặt” sau những căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Ông cũng khẳng định châu Âu sẽ không phủ nhận các giá trị cũng như quyền tự do cơ bản trong chính sách đối với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Tuy nhiên, ông bảo vệ nỗ lực của Brussels nhằm đạt được Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) với Bắc Kinh, vốn bị trì hoãn gần đây. Ông nêu rõ: “Chúng tôi muốn tái cân bằng mối quan hệ kinh tế của mình với Trung Quốc”.

Theo Chủ tịch Michel, trong những năm qua, EU đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho các nước khác, trong đó có Trung Quốc, tiếp cận thị trường chung châu Âu, song vẫn thiếu sự công bằng và “có đi, có lại”.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, SCMP)