Trung Quốc tăng 'cơ bắp', Mỹ phản ứng tức thì

Những nỗ lực đáng chú ý của Trung Quốc

Trung Quốc đang cho thấy nỗ lực hiện đại hóa quân đội một cách nhanh chóng ở tất cả các loại hình quân binh chủng. Giới phân tích mới đây đã đưa ra một số tổng kết quan trọng về nỗ lực này của Bắc Kinh, căn cứ theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) khi Trung Quốc đặt mục tiêu thúc đẩy toàn diện việc xây dựng quốc phòng và quân đội, đặc biệt về lực lượng hải quân.

Một trong những sự kiện đáng chú ý đầu tiên của giai đoạn này là ngày 26/4/2017, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã chính thức hạ thủy tại thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, sau đó được đặt tên là “Tàu Sơn Đông”. Năm 2018, tổng trọng tải tàu hạ thủy của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng trọng tải tàu hạ thủy trên thế giới, đạt 200.000 tấn, đứng đầu thế giới.

Máy bay J-20 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Năm 2019, hải quân Trung Quốc có 9 tàu khu trục, 1 tàu tiếp liệu tích hợp, 1 tàu đổ bộ tích hợp, 1 tàu tấn công đổ bộ và 12 tàu hộ vệ hạng nhẹ, với lượng giãn nước khoảng 200.000 tấn, vượt qua 150.000 tấn của Mỹ và nhiều nước để liên tục đứng đầu thế giới. Tháng 1/2020, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 055 Nam Xương có trọng tải lên đến hàng chục nghìn tấn đầu tiên cũng chính thức được Trung Quốc đưa vào phiên chế.

Không quân Trung Quốc cũng được đánh giá đang phát triển nhanh. Tháng 7/2019, tài khoản WeChat chính thức của Không quân Trung Quốc tiết lộ tin tức rằng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 tiên tiến nhất J-20 đã được đưa vào phiên chế. J-20 thuộc một lữ đoàn của Lực lượng không quân ở Chiến khu miền Đông, và là đơn vị đầu tiên của không quân Trung Quốc được trang bị máy bay thế hệ thứ 5.

Với thông tin này thì không quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng quân đội thứ hai sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 sau Mỹ. Các vũ khí tiên tiến như tên lửa Đông Phong-41, Đông Phong-17, máy bay vận tải Y-20 và trực thăng Z-20 cũng lần lượt được Trung Quốc đưa vào phiên chế.

Tờ Nhân dân nhật báo mới đây cho biết quân đội Trung Quốc đã đạt được những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực quan trọng như cơ giới hóa, tin học hóa và phát triển tích hợp thông minh, công nghệ không ngừng tiến bộ, thành quả liên tục được đổi mới.

Khi Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 sắp kết thúc và bắt đầu Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, tại cuộc họp báo ngày 26/11/2020, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết trình độ xây dựng quốc phòng và quân đội của Trung Quốc trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 đã được nâng cao, hình thái tổ chức quân đội đã có những thay đổi lớn, mở ra cục diện mới để xây dựng quân đội hùng mạnh.

Trung Quốc thường xuyên thể hiện "cơ bắp" trong các cuộc tập trận quy mô lớn

Theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 về xây dựng và phát triển quân đội, đến năm 2020, quân đội Trung Quốc phải thực hiện mục tiêu thứ hai trong Chiến lược phát triển “ba bước” về thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội theo đúng kế hoạch, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ cải cách quốc phòng và quân đội, cơ bản thực hiện được cơ giới hóa và đạt được tiến bộ lớn trong việc xây dựng tin học hóa.

Theo quân đội Trung Quốc, sức mạnh về kinh tế, công nghệ và tổng hợp quốc gia của nước này đã đạt một tầm cao mới trong thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, nhưng sức mạnh quốc phòng vẫn chưa tương xứng, chưa phù hợp với vị thế quốc tế và nhu cầu chiến lược an ninh của Trung Quốc. Do đó, trong thời gian Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho quân đội.

Phản ứng của Mỹ

Ngay đầu năm mới 2021, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/1 đã ra chỉ thị huấn luyện và động viên PLA, yêu cầu tập trung chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, nâng cao toàn diện trình độ huấn luyện thực chiến và khả năng chiến thắng, đảm bảo trạng thái chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu mọi lúc và có thể chiến đấu bất cứ lúc nào. Các phương tiện truyền thông chính thống tiết lộ rằng trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, Lục quân PLA đã tổ chức 360.000 lượt quân đến các khu vực để huấn luyện và diễn tập. Ngoài ra, các lực lượng hải quân, không quân, tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược của Trung Quốc đều tổ chức huấn luyện chiến đấu thực tế.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tân Hoa xã đã đăng bài viết về quá trình huấn luyện của PLA, tiết lộ tình hình liên quan mà PLA đã hoàn thành theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13. Theo bài viết, hải quân Trung Quốc đã tổ chức hơn 300 lượt diễn tập thực chiến hóa các hoạt động tác chiến như đột kích trên biển, chống tàu ngầm, đổ bộ, cứu hộ tàu ngầm; máy bay chiến đấu lần đầu tiên bay qua eo biển Miyako.

Binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Phương Đông - 2018 của Nga

Tháng 12/2016, biên đội tàu sân bay đầu tiên, hạm đội Liêu Ninh, đến vùng biển Tây Thái Bình Dương để triển khai huấn luyện biển xa; hơn 1.300 phi công từ hàng chục lữ đoàn không quân đã đến cao nguyên và vùng biển xa để huấn luyện; lực lượng tên lửa của Trung Quốc cũng tiến hành nhiều đợt huấn luyện...

Trước những động thái quân sự ngay từ đầu năm 2021 của Trung Quốc, Mỹ cũng ngay lập tức cùng các đồng minh phát đi tín hiệu đáng chú ý. Mỹ đang cùng Nhật Bản và Australia tiến hành cuộc tập trận Cope North 2021 (3-19/2) nhằm ứng phó trong trường hợp xảy ra tấn công bằng tên lửa. Đây là cuộc tập trận lần đầu có sự tham gia của chiến đấu cơ F-35A.

Tạp chí Không quân của Mỹ dẫn lời một chỉ huy nói rằng một trong những mục đích của cuộc tập trận nhằm cải thiện khả năng của các lực lượng trong quá trình hoạt động từ các sân bay nhỏ, thô sơ, với cơ sở vật chất hạn chế. Một động thái được giới phân tích cho rằng là phương án dự phòng của Mỹ khi đối phó với các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào những căn cứ chính.

Đội hình máy bay B-52 của Mỹ với sự tham gia của F-35 và các máy bay chiến đấu Nhật Bản trong cuộc tập trận Cope North 2021

Trả lời một sự kiện trực tuyến do Hiệp hội Không quân tổ chức, Chuẩn tướng Jeremy T Sloane - Chỉ huy Không đoàn 36 tại Căn cứ Andersen, cho biết: "Trung Quốc và Nga có thể gia tăng các nguy cơ nhằm vào những căn cứ của Mỹ ở nước ngoài. Để thích ứng, Không quân Mỹ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào những sân bay được xây dựng tốt hoặc mạo hiểm xây dựng lợi thế theo tình huống".

Mỹ cũng tiếp tục phát đi tín hiệu cứng rắn liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan. Ngày 9/2, hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành các hoạt động chung ở Biển Đông. Hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz đã "tiến hành nhiều cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát".

Trước đó, ngày 4/2, Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục USS John S. McCain được trang bị tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã thực hiện một hành trình thông thường đi qua eo biển Đài Loan. Theo thông báo, hành trình của tàu USS John S. McCain "đã chứng minh cam kết của Mỹ với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và hoạt động ở bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép".

Tàu sân bay USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt của Mỹ tập trận ngày 9/2

Trong những ngày đầu tiên sau lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Canada, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản. Theo báo chí Nhật Bản, khi điện đàm với Thủ tướng Yoshihide Suga, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ "cam kết kiên định đối với nền quốc phòng Nhật Bản, trong đó có áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật về quần đảo Senkaku". Ông Joe Biden cũng để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tiềm năng để bảo vệ đồng minh.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã tiến hành cuộc điện đàm với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố quan hệ đồng minh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken đã điện đàm với những người đồng cấp Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Philippines và Thái Lan. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Theodore Loksin, ông đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước phòng thủ chung đảm bảo an ninh của cả hai nước và việc áp dụng chính xác các cam kết đối với những cuộc tấn công vũ trang tiềm ẩn nhằm vào quân đội Philippines, tàu bè hoặc máy bay của nước này ở Thái Bình Dương, trong đó có vùng Biển Đông".

Ngoại trưởng Mỹ Blinken mới đây đã tuyên bố: "Không có gì bí mật khi quan hệ Mỹ-Trung đang rất căng thẳng. Có lẽ đây là mối quan hệ quan trọng nhất, phần lớn sẽ quyết định tương lai của tất cả chúng ta... càng ngày những mối quan hệ này càng có thêm một số khía cạnh thù địch".

Đông Triều