Ước mơ làm sĩ quan chỉ huy, thí sinh nên thi vào trường quân đội nào?

Cụ thể, nếu sinh viên học Sĩ quan Lục quân 1 thì ra trường sẽ làm trung đội trưởng, hoặc thí sinh học chính trị ra trường làm chính trị viên của đơn vị cấp đại đội hay học hậu cần thì sinh viên ra trường làm trợ lý hậu cần cấp tiểu đoàn, trung đoàn.

Còn sinh viên học Học viện Kỹ thuật Quân sự thì ra trường làm trợ lý kỹ thuật, học bác sĩ thì làm bác sĩ quân y ở các bệnh viện hay tuyến đơn vị.

Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng

“Một điều hiển nhiên sau khi ra trường là các em vẫn phải học tập, sau đó công tác theo đúng yêu cầu của quân đội. Quá trình công tác gắn liền với sự phát triển của sinh viên, các em được học tập nâng cao trình độ cấp học cao hơn, trong quá trình công tác sẽ được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Như vậy, các trường đào tạo sĩ quan có cơ hội thăng tiến là ngang bằng với nhau, không thể khẳng định học trường này thăng tiến cao hơn còn học trường kia thăng tiến chậm hơn.

Quan trọng là học xong các em phải làm hết trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và được tổ chức sử dụng đúng khả năng để có cơ hội thăng tiến phát triển, lấy quân đội làm binh nghiệp, nghề nghiệp của mình”, Đại tá Vũ Xuân Tiến nói.

Nói về đào tạo phi công trong quân đội, Đại tá Vũ Xuân Tiến cho biết khi vào học các thí sinh được quân đội hỗ trợ toàn bộ việc ăn ở cũng như học phí trong suốt quá trình học. Ngoài ra, mỗi tháng thí sinh còn được hưởng phụ cấp, không mất bất cứ khoản chi phí nào, được nghỉ phép theo quy định. Khi ra trường sinh viên còn được phong quân hàm cũng như sắp xếp công việc.

Nhiệm vụ của thí sinh là phải cố gắng học tập đáp ứng chương trình học và khi ra trường sinh viên phải theo sự phân công công tác của tổ chức.

“Tổ chức sẽ căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ đầu tiên, còn nguyện vọng của sinh viên xếp thứ 2. Căn cứ vào từng nhiệm vụ, quân đội sẽ điều động công tác phù hợp. Tất cả phải xác định theo nhiệm vụ, những sinh viên có lực học giỏi, xuất sắc sẽ được xem xét nguyện vọng.

Khi học phi công quân sự thì tôi khuyên các em không nên có ý nghĩ trở thành phi công thương mại vì ngay từ lúc bước chân vào học các em đã phải ý thức được việc học để phục vụ công tác trong quân đội. Ngoài ra, khi học phi công quân sự sẽ vất vả và yêu cầu cao hơn rất nhiều nên các em cũng suy nghĩ kỹ trước khi đăng ký”, Đại tá Vũ Xuân Tiến nói.

Được biết, năm 2021, có 17 học viện, nhà trường trong quân đội được Bộ Quốc phòng giao tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học quân sự với 5.000 chỉ tiêu đào tạo cán bộ cấp phân đội trình độ đại học; 1 trường (Trường Sĩ quan Không quân) được giao tuyển sinh đào tạo cao đẳng quân sự ngành Kỹ thuật hàng không 80 chỉ tiêu. Điểm đáng chú ý trong công tác tuyển sinh năm nay là không tuyển sinh đào tạo ngành tài chính tại Học viện Hậu cần và ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học quân sự.

Thí sinh tham gia xét tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự tại các trường quân đội có độ tuổi đối với thanh niên ngoài quân đội từ 17 đến 21 tuổi; quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ từ 18 đến 23 tuổi. Các thí sinh đều phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Quá trình sơ tuyển được triển khai từ ngày 1-3 đến hết ngày 25-4.

Có 3 học viện, nhà trường tuyển sinh nữ, gồm: Học viện Kỹ thuật quân sự (33 chỉ tiêu); Học viện Quân y (40 chỉ tiêu); Học viện Khoa học quân sự (8 chỉ tiêu).

Theo quy định, thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về công tác xét tuyển, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Hoàng Thanh