Vị thuyền trưởng phù hợp của nước Nga Vladimir Putin

Nền kinh tế vững vàng vượt “bão” trừng phạt

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, các nước phương Tây đã liên tục tìm cách cô lập Matxcơva cả về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế. Ngoài việc viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev, phương Tây cũng gây sức ép lên Nga thông qua hàng loạt các lệnh trừng phạt với quy mô và mức độ chưa từng có, khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Theo Statista, hiện Nga đang phải chịu hơn 16 nghìn lệnh trừng phạt.

Mỹ đã công bố hơn 500 biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.

Mới đây nhất, vào đúng hai năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở , Mỹ đã công bố hơn 500 biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Trọng tâm của vòng trừng phạt này là mảng tài chính, nền tảng công nghiệp quốc phòng và các mạng lưới mua bán cấp nhà nước của Nga. Ngoài ra, Washington còn nhắm vào các cá nhân, tổ chức trên toàn thế giới bị nước này cho là hỗ trợ Matxcơva trong việc “lách” các lệnh trừng phạt được ban hành trước đó.

Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế Nga.

Bà Karine Jean-Pierre – Người phát ngôn Nhà Trắng phát biểu: “Các biện pháp trừng phạt này mang tính tích lũy, chúng ta phải xem xét vấn đề theo cách đó. Đây là 500 lệnh trừng phạt có mục tiêu mới. Những mục tiêu này nằm trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng, hệ thống tài chính Nga và chúng sẽ tiếp tục buộc Nga phải trả giá cho cuộc chiến ở Ukraine.”

Trước đó không lâu, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga. Gói trừng phạt nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và tư pháp.

Trong hai năm qua, phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau hai năm diễn ra xung đột, kinh tế Nga không chỉ đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, mà còn vượt xa kỳ vọng, đạt được mức tăng trưởng phục hồi và thể hiện sự bền bỉ.

Kinh tế Nga không chỉ đứng vững trước các lệnh trừng phạt mà còn vượt xa kỳ vọng.

Kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm 2022. Theo dữ liệu chính thức, GDP của Nga tăng 3,6% vào năm 2023, vượt mức trung bình trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu là 3% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chỉ là 1,5%.

Ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn Điện Kremlin cho hay: “Về cơ bản, không có gì mới được công bố, và không chắc rằng những người áp đặt các biện pháp trừng phạt này có thể nghĩ ra bất cứ điều gì mới về cơ bản mà không gây tổn hại rõ ràng đến nền kinh tế của chính họ. Bạn biết đấy, nền kinh tế châu Âu trước hết đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt được áp đặt lên chúng tôi. Lợi ích của các công ty Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng. Nhưng nền kinh tế Nga đã cho thấy sự ổn định, đã thích nghi và tiếp tục phát triển.”

Trong khi đó, Nga đã thiết lập một nền kinh tế thời chiến toàn diện và tăng ngân sách quân sự lên gần 70% trong năm nay, lên mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu từ dầu khí trong ngân sách Nga đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022 do mức trần giá dầu và việc Nga mất thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Nga đã phá bỏ mức giá trần bằng cách tập hợp một đội tàu bóng tối, cho phép họ xuất khẩu phần lớn dầu mà không cần dựa vào tàu và bảo hiểm của phương Tây, từ đó đưa được dầu đến các "bạn hàng" như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga đã thu được 15,6 tỷ USD từ xuất khẩu dầu chỉ trong tháng 1/2024, trong khi con số này vào mùa hè năm ngoái là 11,8 tỷ.

Nga đã thiết lập một nền kinh tế thời chiến toàn diện và tăng ngân sách quân sự lên gần 70%.

Nga từng bước khẳng định lại vai trò cường quốc

Cùng với các lệnh trừng phạt với mục đích bóp nghẹt kinh tế Nga, phương Tây cũng không ngừng các nỗ lực nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực, những nỗ lực ấy là không hề dễ dàng. Nga vẫn không ngừng củng cố quan hệ với các nước đồng minh, đối tác, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Phương Tây cũng không ngừng các nỗ lực nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao.

Các nước phương Tây từng cho rằng việc mở chiến dịch quân sự đã khiến Nga phải chịu một thất bại chiến lược lớn, bị cô lập trên trường quốc tế và làm giảm ảnh hưởng của Nga trên các châu lục. Tuy nhiên, trên thực tế, 2/3 số quốc gia trên thế giới đã không tham gia cuộc cấm vận của phương Tây chống Nga. Không chỉ vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, như tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, ảnh hưởng của Nga vẫn mạnh mẽ, thậm chí có phần tăng thêm.

Trong báo cáo tổng kết công tác ngoại giao trong năm 2023, Bộ Ngoại giao Nga đã ghi nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của Matxcơva trên thế giới, nhấn mạnh Nga đã tăng cường các nỗ lực phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Trung Quốc luôn giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với Nga.

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ được Nga coi là những trọng điểm ngoại giao với hàng loạt các chuyến thăm cấp cao được tiến hành. Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga vào tháng 3/2023, đến tháng 10, Tổng thống đã tới Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” lần thứ 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Tôi và Tổng thống Putin đã tổ chức 42 cuộc gặp kể từ năm 2013 và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nga để tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương”.

Theo Times, thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 240 tỷ USD trong năm 2023, vượt mục tiêu 200 tỷ USD theo cam kết giữa lãnh đạo hai nước.

Không chỉ có Trung Quốc, mối quan hệ giữa Nga với Ấn Độ và hàng loạt quốc gia, bao gồm một số đối tác thân thiết của Mỹ, cũng ngày càng bền chặt. Tháng 12/2023, Tổng thống Putin đã tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ tại Matxcơva. Trước đó, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã dành cho Tổng thống Nga Putin những sự đón tiếp hết sức trọng thị.

Không chỉ có Trung Quốc, mối quan hệ giữa Nga với Ấn Độ càng ngày càng bền chặt.

Tại Mỹ Latin, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã gửi lời mời Tổng thống Putin tới dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) tại nước này. Ngày 22/2 vừa qua, nhà lãnh đạo Brazil đã tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm tới khu vực, Ngoại trưởng Nga trước đó đã đến thăm Cuba và Venezuela và có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo các nước này.

Tại châu Phi, sức ảnh hưởng và vị thế của Nga cũng không ngừng gia tăng với Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Nga hồi tháng 7 năm ngoái là một điểm nhấn quan trọng. Hội nghị có sự tham gia của gần 50 quốc gia châu Phi, trong đó có 17 nguyên thủ. Tuyên bố chung về kế hoạch hành động đối tác Nga - châu Phi giai đoạn 2023 - 2026 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược nâng tầm ảnh hưởng của Nga tại lục địa này.

Thông điệp liên bang 2024 của Tổng thống Putin

Những định hướng quan trọng nhất trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Nga, những mục tiêu của Nga trong sáu năm tới, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra tại Ukraine là những nội dung trọng tâm vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong thông điệp liên bang 2024, bài phát biểu thường niên trước Quốc hội, diễn ra chiều 29/2, theo giờ Hà Nội. Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra từ ngày 15-17/3, trong đó Tổng thống Putin tham gia ứng cử và nhiều khả năng sẽ tái đắc cử.

Khoảng một nghìn đại biểu đã được mời tới nghe thông điệp của Tổng thống Putin tại hội trường, bao gồm các nhà lập pháp từ Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, các bộ trưởng chính phủ, thống đốc, lãnh đạo tôn giáo, nhà ngoại giao nước ngoài và nhà báo, cùng những quân nhân đã tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Thông điệp liên bang 2024 của Tổng thống Putin.

Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin không chỉ tập trung vào các kế hoạch ngắn hạn mà còn các mục tiêu chiến lược của nhà nước Nga. Ông khẳng định, Nga đang tiến hành một cuộc đấu tranh chính nghĩa vì chủ quyền và an ninh của mình. Đa số người dân Nga ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Năng lực của quân đội Nga đã tăng lên “gấp bội” trong bối cảnh xung đột với Ukraine. Theo Tổng thống Putin, các đơn vị của Nga đang nắm chắc thế chủ động. Họ đang tiến quân liên tục theo một số hướng chiến dịch, giải phóng các vùng lãnh thổ mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xác định con đường riêng của mình, bảo vệ truyền thống của mình, và giải quyết các vấn đề dựa trên thế giới quan của chính chúng tôi.”

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định nước Nga đang bảo vệ chủ quyền và vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này thuộc vào sự đoàn kết và lòng trung thành của mỗi người dân đối với tổ quốc. Ông Putin lưu ý việc bảo vệ và củng cố chủ quyền đang diễn ra trên mọi hướng, đồng thời khẳng định toàn bộ nền kinh tế Nga đã thể hiện sự linh hoạt và vững chắc.

Tổng thống Putin cho biết trong năm 2023, Nga đã vượt qua tất cả các nước G7 về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông tin nước nước này sẽ trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian tới.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2023, Nga là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới tính theo PPP và là quốc gia duy nhất ở châu Âu lọt vào top 5. Tổng thống Putin cũng cho rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga cần được chuyển thành sự gia tăng thu nhập cho người dân. Ông đặt nhiệm vụ mức lương tối thiểu năm 2030 sẽ tăng gần gấp đôi, lên 35.000 ruble.

Tổng thống Putin cũng công bố kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang Nga ở phía tây đất nước sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông khẳng định Matxcơva sẵn sàng đối thoại với Washington về ổn định chiến lược, nhưng chỉ khi lợi ích của Nga được tính đến.

Nhà lãnh đạo hợp lòng dân

Mặc dù trọng tâm chính trong ba năm tới sẽ là ưu tiên cho ngân sách quốc phòng để giành chiến thắng trong cuộc xung đột Ukraine nhưng Chính phủ Nga khẳng định không từ bỏ các cam kết về an sinh xã hội. Tiền lương tiếp tục tăng và thu nhập thực tế của người dân Nga ước tính đã tăng 5% trong năm 2023, giữa bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử là 2,9%.

Theo Bộ Tài chính Nga, Matxcơva có kế hoạch dành khoảng 86 tỷ USD cho chi tiêu phúc lợi vào năm 2024 và con số này dự kiến sẽ duy trì ở mức tương tự trong hai năm tiếp theo. Chính phủ cho biết mục tiêu là thực hiện mọi nghĩa vụ đối với người dân và "bôi trơn" các "bánh xe" của nền kinh tế.

Vladimir Putin - Nhà lãnh đạo hợp lòng dân.

Trong bối cảnh ấy, tỷ lệ ủng hộ của công chúng Nga dành cho Tổng thống Putin luôn ở mức cao. Kết quả cuộc khảo sát của Quỹ "Dư luận xã hội", được tiến hành với 1.500 người Nga trưởng thành tại 53 địa phương của Nga cho thấy có tới 82% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ các hoạt động của Tổng thống Putin. 80% số người được hỏi khẳng định họ tin tưởng tuyệt đối nhà lãnh đạo của mình.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận được công bố khoảng 3 tuần trước khi nước Nga bước vào cuộc bầu cử Tổng thống. Với mức tín nhiệm cao, Tổng thống Putin được dự đoán sẽ giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên còn lại.

Sau 24 năm cầm quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã trở thành biểu tượng về sự ổn định, thống nhất và vững mạnh của đất nước. Các kết quả khảo sát cho thấy mức độ tin tưởng mà người dân Nga dành cho ông Putin luôn cao. Điều này cho thấy người dân đánh giá cao hiệu quả lãnh đạo đất nước của ông chủ Điện Kremlin. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2024, ông Vladimir Putin sẽ có thể giữ chức Tổng thống cho đến năm 2030, theo giới hạn nhiệm kỳ 6 năm có hiệu lực từ năm 2012. Dù vẫn còn rất nhiều thách thức cùng những sứ mệnh cần hoàn thành, nhưng nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo cũng mang đến những cơ hội để ông tiếp tục hoàn thành những lời hứa của mình với người dân Nga.