Yên Bái: Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân

Đoàn công tác Bộ Y tế khám chữa bệnh, sàng lọc và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Theo ảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái, tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có trên 754.000 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế (BHYT) là 88,14% dân số.

ên Bái hiện có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 5 bệnh viện chuyên khoa, 9 trung tâm y tế huyện, 13 phòng khám đa khoa khu vực và 160 trạm y tế xã. Ngoài ra, có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân và 9 phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện KCB BHYT.

Với hệ thống mạng lưới KCB này, cùng với quy định của Chính phủ về KCB BHYT nội trú, ngoại trú thông tuyến huyện và nội trú thông tuyến tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có thẻ BHYT.

Ngay từ đầu năm, các cơ sở KCB thực hiện ký hợp đồng KCB bằng thẻ BHYT với cơ quan BHXH và phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH, đảm bảo cho người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Bên cạnh đó, chất lượng KCB tiếp tục được chú trọng, từng bước nâng cao. Các cơ sở KCB tăng cường hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương và quốc tế để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Từ đó, nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu đã được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện như: chụp và can thiệp mạch não, chẩn đoán xử trí tắc động mạch chi cấp tính, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc...

Đến nay, tỷ lệ cơ sở KCB công lập đạt hạng II trở lên là 60%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 95%; 100% các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đạt điểm chất lượng từ 2,85 điểm trở lên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh.

Đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa bệnh. Ưu tiên vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân trên toàn địa bàn.

Từ năm 2016, công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh với vốn ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau 2 năm hoạt động, bệnh viện đã được nâng hạng từ hạng 2 lên hạng 1, khả năng cung cấp dịch vụ theo phân tuyến tăng từ 50% lên 87%, với nhiều kỹ thuật hiện đại, kỹ thuật cao được triển khai. Giúp người dân có thể sử dụng dịch vụ thuận tiện, giảm bớt chi phí cả BHYT và chi phí của người dân.

Các bệnh viện tích cực triển khai Kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 6858/QĐ-BYT của Bộ Y tế, cải tiến chất lượng khoa khám bệnh theo quy trình tại Quyết định 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, khám chữa bệnh BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ.

Cùng với đó, hiện nay, việc cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đã được ứng dụng CNTT để quản lý cung cấp dịch vụ, giám định trực tuyến BHYT. Do vậy, các cơ sở y tế cũng thuận lợi hơn trong việc dự trù và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong phạm vi quản lý. Đồng thời, hạn chế được việc cung cấp dịch vụ trùng, thừa và cố tình lạm dụng KCB BHYT.

Mặc dù còn tồn tại một số khó khăn, song nhìn chung, chất lượng KCB từ tuyến tỉnh đến các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được nâng lên, người bệnh tin tưởng và an tâm điều trị. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Qua kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh đối với việc chăm sóc, điều trị và thái độ phục vụ của nhân viên y tế hiện nay đạt tỷ lệ hài lòng ngày càng cao.