Cập nhật Covid-19 ngày 15/3: Số người mắc bệnh vượt 120 triệu, cảnh báo nguy cơ ở Anh, AstraZeneca lên tiếng về lùm xùm vaccine, EU lạc quan

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 547.234 ca tử vong, trong tổng số hơn 30 triệu ca nhiễm.

Brazil đã vượt Ấn Độ trở thành quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới, với hơn 11,48 triệu trường hợp, trong đó có 278.327 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với 158.726 trường hợp trong số hơn 11,38 triệu ca bệnh.

Tính theo tỷ lệ dân số, CH. Czech là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 217 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 193 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 39,8 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 895.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 718.100 ca tử vong trong hơn 22,7 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 556.700 ca tử vong trong hơn 30,3 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 262.600 người thiệt mạng trong hơn 16,6 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 108.000 ca tử vong, châu Phi có hơn 107.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 958 người.

* Tại châu Âu, ngày 14/3, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), giáo sư Ian Diamond cho biết, ông tin rằng sẽ có làn sóng mắc Covid-19 nữa xuất hiện vào mùa Thu năm nay tại nước này.

Ông Diamond cho rằng, người dân cần phải hiểu các dữ liệu đang được thu thập và đánh giá tác động " tuyệt vời" của chương trình tiêm chủng toàn quốc. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ SARS-CoV-2 sẽ không thể biến mất.

Trước đó, người đứng đầu cơ quan y tế Anh, giáo sư Chris Whitty, cho biết vẫn còn nhiều nguy cơ rủi ro để mở cửa lại xã hội và nước Anh sẽ còn trải qua làn sóng nhiễm Covid-19 mới có thể vào thời điểm cuối Hè, hoặc vào mùa Thu và Đông.

Một nghiên cứu trình Nhóm Cố vấn Khoa học cho các vấn đề khẩn cấp thuộc chính phủ (SAGE) đưa ra dự báo, ít nhất nước Anh sẽ có thêm 30.000 người nữa bị thiệt mạng do Covid-19 trong tương lai.

Cùng ngày, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ châu Âu Thierry Breton cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt các mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 của quý đầu tiên năm 2021, bất chấp nguồn cung cấp vaccine AstraZeneca bị chậm trễ.

Ủy viên Breton khẳng định, việc AstraZeneca chậm giao vaccine không đồng nghĩa với sự chậm trễ trong chương trình tiêm chủng quý đầu tiên của năm nay, cho biết Pfizer đang sản xuất nhiều hơn dự kiến và đây là cơ hội để bù đắp việc thiếu hụt nguồn cung vaccine.

Hôm 10/3, Ủy ban châu Âu đã công bố thỏa thuận với Pfizer-BioNTech về việc bổ sung 4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 và số vaccine này sẽ được giao vào cuối tháng.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine hiện nay tại EU, một số nước thành viên đã tự quyết định các đơn đặt hàng riêng lẻ.

* Tại châu Á, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm phần mềm điện thoại để hiển thị chứng nhận điện tử đối với kết quả xét nghiệm PCR và lịch sử tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.

Đây là một phần trong những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy hoạt động giao lưu, đi lại giữa các quốc gia trên thế giới.

Phần mềm điện thoại thử nghiệm trên có tên gọi "Common Pass" (Thẻ thông hành chung), do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và một số tổ chức khác phát triển.

Trong cuộc thử nghiệm bắt đầu từ ngày 10/3 vừa qua, 5 khách nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản tại Sân bay quốc tế Haneda đã được tiến hành xét nghiệm PCR, sau đó dữ liệu về kết quả âm tính lần lượt được gửi đến từng người thông qua điện thoại thông minh.

Dữ liệu kết quả xét nghiệm khi được liên kết với ứng dụng Common Pass có thể được hiển thị bằng cách sử dụng mã phản hồi nhanh (QR) và có chức năng giống như giấy chứng nhận điện tử được sử dụng trên phạm vi toàn thế giới.

Trưởng dự án của WEF Takusen Takanori cho biết, so với chứng nhận giấy, nguy cơ giả mạo chứng nhận điện tử thấp và loại chứng nhận này cũng dễ mang theo. Cơ chế chứng nhận điện tử là một trong những nỗ lực để thúc đẩy hoạt động đi lại, du lịch giữa các quốc gia một cách an toàn.

Tại Trung Quốc, giới chức y tế tại tỉnh Quảng Đông (miền Nam nước này) đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nigeria trong các ca bệnh mới không triệu chứng nhập cảnh tại tỉnh này.

Dựa trên những nghiên cứu trước đây, biến thể này có khả năng lây lan nhanh và dễ làm vô hiệu hóa kháng thể, qua đó dễ dẫn tới khả năng tái nhiễm ở những người từng mắc Covid-19. Hiện Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đang tiến hành phân lập thêm biến thể virus này.

Ngày 14/3, Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran thông báo, mọi chuyến bay từ Iraq tới nước này sẽ bị đình chỉ trong một tuần, kể từ ngày 14/3.

Quyết định này là một trong các biện pháp ưu tiên nhằm bảo vệ sức khỏe cho công dân Iran trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó, tất cả hãng hàng không được yêu cầu kịp thời thông báo cho khách hàng về các biện pháp mới.

Iran cũng đã cảnh báo khả năng tái bùng phát đại dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra lễ đón Năm mới của nước này, bắt đầu từ ngày 20/3 tới.

Theo Bộ Y tế Iran, trong ngày 14/3, nước này đã ghi nhận 7.593 ca mắc Covid-19 và 88 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên thành 1.746.953 người, trong đó 61.230 người đã tử vong.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Israel tiếp tục giảm nhờ hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine, trong bối cảnh chính phủ nước này đã mở cửa trở lại hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội từ một tuần qua.

Theo Bộ Y tế Israel, số ca mắc mới trong ngày 13/3 là 773 ca, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 và giảm mạnh so với mức trung bình hàng tuần là 1.864 ca.

Trong số 27.000 xét nghiệm được thực hiện trong ngày, chỉ có 2,9% cho kết quả dương tính, so với mức trên 10% ở thời kỳ cao điểm, đồng thời, số ca mắc mới đang giảm tương đương 30% mỗi tuần.

Ngoài ra, chỉ số lây nhiễm R (đo tỷ lệ lây nhiễm của một bệnh nhân ra cộng đồng) cũng giảm còn 0,78 - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1,1 tại thời điểm kết thúc đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 2 hồi tháng 10 năm ngoái - khi Israel chưa thực hiện tiêm phòng vaccine Covid-19.

Đến nay, đã có khoảng 5,13 triệu người dân Israel (trên tổng số hơn 9 triệu dân) đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine, trong khi số người tiêm đủ hai mũi là 4,12 triệu người.

* Ở khu vực châu Mỹ, ngày 14/3, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, nhà chức trách nước này đang xem xét lại quy tắc về giãn cách xã hội theo hướng giảm từ khoảng cách 2m xuống còn khoảng 1m.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, các chuyên gia tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đang thẩm định một nghiên cứu cho thấy, “không có sự khác biệt đáng kể” đối với các ca mắc Covid-19 ở các trường học tuân theo các khoảng cách giãn cách nêu trên.

Ông Fauci cho biết, CDC vẫn đang nghiên cứu dữ liệu mới này và tiến hành những thử nghiệm cũng như sẽ sớm đưa ra kết luận về vấn đề này.

Ngoài ra, Tiến sĩ Anthony Fauci cũng hy vọng, cựu Tổng thống Donald Trump sẽ kêu gọi những người ủng hộ ông tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và khuyến nghị không nên sớm dỡ bỏ những hạn chế do đại dịch.

* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, trước thông tin một số nước châu Âu thông báo tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca sau thông tin về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine này, AstraZeneca đã phủ nhận vaccine của hãng làm tăng nguy cơ gây cục máu đông.

Trong thông báo ngày 14/3, hãng dược phẩm này nêu rõ: "Một cuộc đánh giá cẩn thận toàn bộ các dữ liệu an toàn sẵn có của hơn 17 triệu người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca tại EU và Anh cho thấy, không có bằng chứng về việc vaccine làm tăng nguy cơ tắc mạch phổi, chứng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu ở bất kỳ nhóm tuổi, giới tính, lô vaccine hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào".

(tổng hợp)