Người dân đội mưa dự lễ khai ấn đền Trần trong đêm

Lễ khai ấn đền Trần mở màn bằng nghi lễ rước kiệu ấn bắt đầu từ sân đền Hạ qua cổng chính tới đền Thượng.

Theo các tư liệu lịch sử, lễ khai ấn đền Trần bắt đầu được tổ chức vào năm 1239, thời vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần.

Đây là nghi lễ cúng tế tổ tiên của các vua nhà Trần tại nơi dòng tộc Trần phát tích là làng Tức Mặc, sau này là phủ Thiên Trường. Trong sự kiện đặc biệt này, các vua Trần còn tổ chức tiệc chiêu đãi và phong hầu cho các vị quan có công với đất nước. Từ khi giặc Nguyên Mông xâm lược thì lễ hội bị gián đoạn, đến năm 1269 mới được vua Trần Thánh Tông mở lại.

Lễ khai ấn đền Trần 2024 được tổ chức vào giờ Tý đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng (đêm 23 rạng sáng 24-2) trong khuôn viên đền Thiên Trường.

Sau lễ khai ấn đêm 14 dành riêng cho các đại biểu, lễ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sẽ được bắt đầu từ 5h sáng hôm sau, ngày Rằm tháng Giêng, tại ba nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Dù biết thông tin sẽ không phát ấn cho nhân dân và du khách đêm ngày 23, nhưng thời điểm khai ấn vẫn thu hút rất đông đảo du khách thập phương về tham dự.

Du khách đội mưa tham dự lễ khai ấn bởi mong muốn được chiêm bái những nghi thức khai ấn.

Anh Huy, du khách từ Hải Dương về dự lễ khai ấn cho biết, năm nào anh cũng về dự lễ khai ấn để xin ấn về cho gia đình. "Theo quan niệm dân gian, người xin được tờ giấy điệp có đóng ấn đỏ treo về đền, phủ, từ đường hay tại gia đều trừ được ma quỷ, hóa giải rủi ro và điều xấu, thu hút may mắn và thuận lợi trong đường công danh. Vì vậy, năm nào cũng thế tôi đều đến dự lễ và xin ấn cho mình và anh em họ hàng nhằm cầu bình an, may mắn cho gia đình", anh Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Bình, trưởng Ban quản lý di tích đền Trần - chùa Tháp thông tin: "Ban tổ chức lễ hội sẽ phục vụ nhân dân và du khách tất cả nhu cầu, từ dâng hương, dự lễ đến nhận ấn ngọc đầu xuân đến hết tháng Giêng".

Quang Dương