Tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho người dân

Triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội, ngày 3/10/2023, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Thanh Oai năm 2023.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Đã tổ chức 23 lớp tập huấn cho hơn 5.250người

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, du lịch nông nghiệp nông thôn là một xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới hiện nay.

Nhà nước tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

“Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh và khẳng định, sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp làm đa dạng hóa các hoạt động thương mại và giải quyết vấn đề thiếu thị trường tiêu thụ trong ngành nông nghiệp, tạo việc làm tại các khu vực nông thôn và gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Đồng thời, kích thích doanh nghiệp địa phương tham gia vào hoạt động phân phối sản phẩm nông nghiệp kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, du khách ngày càng mong muốn có những trải nghiệm độc đáo, được tham gia vào các hoạt động sáng tạo, học hỏi trong các chuyến đi của mình và đóng góp vào các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa, tập quán, môi trường hơn là nghỉ dưỡng đơn thuần.

“Do đó, các hình thức du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, các điểm đến và hoạt động thân thiện với môi trường mà du lịch nông nghiệp mang lại sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới đây”, ông Trần Trung Hiếu nêu xu hướng.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, để phát triển du lịch nông thôn, nhiều văn bản đã được Nhà nước ban hành để tập trung chỉ đạo các nguồn lực ưu tiên cho phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn TP. Hà Nội đa dạng và bền vững.

Các đại biểu khải sát làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống Dư Dụ, huyện Thanh Oai. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Từ năm 2022, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch tại địa bàn xã thuộc huyện Thường Tín và huyện Gia Lâm.

Ngoài ra, TP. Hà Nội đã công nhận 5 điểm du lịch cấp thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái.

Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương. Đồng thời, chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, giáo dục tại các huyện.

Bên lề Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu cho biết, triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP.Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội, năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các huyện trên địa bàn TP tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho khoảng 2.000 người; năm 2023 đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho khoảng 3.250 người.

Thanh Oai giàu tiềm năng phát triển du lịch nông thôn

Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, huyện Thanh Oai là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử lâu đời, là mảnh đất khoa bảng với 46 vị được ghi danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Những lợi thế sẵn có về giao thông, điều kiện tự nhiên và đặc biệt là sự phong phú của các loại hình di sản văn hóa, tạo điều kiện để huyện Thanh Oai đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút khách trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Trên địa bàn huyện Thanh Oai hiện có 266 di tích, trong đó có 151 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và TP. Tiêu biểu như xã Bình Minh có di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà, nơi thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ hội Bình Đà được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được tổ chức vào ngày 1- 6/3 âm lịch hàng năm tưởng nhớ công đức Quốc tổ Lạc Long Quân;

Xã Tam Hưng có chùa Bối Khê và lễ hội chùa Bối Khê rất độc đáo. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại lâu đời, thuộc loại đẹp và xưa nhất còn lại ở nước ta;

Xã Xuân Dương có Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi lưu dấu ký ức về Bác khi Bác ở và làm việc tại đây 25 ngày đêm (19/02/1946 – 13/01/1947).

Về Thanh Oai, du khách không chỉ được đắm mình trong vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của di tích và những lễ hội truyền thống đặc sắc, mà còn được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên của một miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với những ngôi làng cổ và các nghề truyền thống. Tiêu biểu như: Làng Cự Đà (xã Cự Khê) chuyên làm tương và miến; làng Chuông (xã Phương Trung) làm nón lá; làng Ước Lễ (xã Tân Ước) làm giò chả; nghề điêu khắc Võ Lăng, lồng chim Canh Hoạch (xã Dân Hòa)…

Với 51 làng đã được công nhận là làng nghề và làng có nghề, một trong những lợi thế nổi bật để Thanh Oai phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng so với các địa phương khác.

Việc phát triển du lịch tại các vùng đất có nhiều làng nghề ngoài đem lại lợi ích kinh tế – xã hội, còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của từng địa phương.

Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, Thanh Oai còn sở hữu tài nguyên du lịch sinh thái với các điểm đến có cảnh quan đẹp như: Khu đầm Thanh Cao và Cao Viên, vườn cây ăn trái tại 7 xã ven sông Đáy… đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi giải trí của du khách.

Ông Nguyễn Khánh Bình thẳng thắng nhìn nhận, mặc dù tiềm năng du lịch dồi dào, nhưng nhận thức trong phát triển sản phẩm du lịch của người dân địa phương còn hạn chế, chưa định hình sản phẩm du lịch rõ nét, chưa xác định được sản phẩm chủ lực, nguồn lực tài chính và con người còn hạn chế…

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Hồng Hạnh)

4 giải pháp trọng tâm

Ông Trần Trung Hiếu cho biết, trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định huyện Thanh Oai nằm trên vành đai du lịch sông Đáy, thuộc cụm du lịch Hà Đông và phụ cận, có thế mạnh phát triển loại hình du lịch làng nghề; du lịch văn hóa khai thác các giá trị di tích di sản, du lịch sinh thái ven sông.

Thị trường sản phẩm du lịch chủ yếu cho khách nội địa của Hà Nội và các địa phương khác trong nước với sản phẩm du lịch chính là du lịch tham quan, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử tại di tích văn hóa, cách mạng, lễ hội, làng nghề; du lịch sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm gắn với du lịch học đường…

Có thể thực hiện tốt phương án quy hoạch trên, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, ông Trần Trung Hiếu cho rằng, nhiều giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thanh Oai cần phải được xác định tập trung.

Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, bền vững, trong đó xác định đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn kết hợp với các làng nghề, du lịch sinh thái.

Thứ hai, tăng cường kết nối Khu di tích đình (đền) Nội - đình Ngoại Bình Đà và khu di tích chùa Bối Khê, xã Tam Hưng; gắn kết với các làng nghề trên địa bàn huyện như làng cổ Cự Đà, làng nghề nón Chuông và Đầm Thượng Thanh... hình thành các tour tham quan du lịch giáo dục văn hóa, lịch sử; trải nghiệm du lịch sinh thái, làng quê phục vụ khách du lịch

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong tình hình mới như: các sản phẩm kích cầu du lịch, các dịch vụ du lịch trọn gói, các chương trình du lịch trải nghiệm, sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ,…

Một góc chùa Bối Khê, Thanh Oai. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Thứ tư, TP. Hà Nội và huyện tăng cường công tác xúc tiến, thu hút hoạt động đầu tư vào khu vực được quy hoạch xây dựng. Nghiên cứu quy hoạch đầu tư xây dựng một Trung tâm du lịch sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề OCOP, là nơi tập trung các tinh hoa nghề truyền thống Hà Nội trở thành một điểm tham quan du lịch làng nghề hấp dẫn trên địa bàn huyện.

Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, thái độ phục vụ khách du lịch đối với công chức chuyên quản du lịch và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch;

Đặc biệt là khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn Thành phố xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Tại Hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn, các giảng viên đã chia sẻ và trao đổi nhiều nội dung liên quan đến kỹ năng, quy trình xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn dựa trên các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của địa phương.

Qua nội dung tập huấn, các học viên nắm được khái niệm du lịch nông nghiệp nông thôn và những kỹ năng, phương pháp để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn cụ thể, nắm được phương pháp kết nối sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính bổ trợ với nhau tạo nên các chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn hoàn chỉnh, chuyên nghiệp. Đồng thời, hiểu rõ nội dung, quy trình xây dựng Bộ sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Hồng Hạnh