Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều chính sách tháo gỡ để phát triển giao thông thủy

Bến thuyền đón khách của bus đường sông tại Quận 1, TPHCM.

Thế nhưng, sau hơn 5 năm thực hiện hoạt động vận tải đường thủy nội địa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Năng lực vận tải chưa như kỳ vọng

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có nhiều chính sách, cơ chế để khuyến khích các địa phương có thế mạnh phát triển giao thông thủy nội địa. Nhưng nhiều nơi chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển loại hình này.

Các doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ vận tải container. Không được hưởng chính sách ưu đãi về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.

Tổ chức cá nhân khi đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa, hệ thống kho, bãi, cầu tàu, hệ thống thoát nước chưa được hưởng ưu đãi từ chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, do các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành hướng dẫn cụ thể… Vì thế công tác khai thác, phát triển gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Sở GTVT TPHCM, hệ thống đường thủy trên địa bàn TPHCM có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân và đạt 0,465 km/km2. Tính ra, mật độ đường thủy đạt bằng 73% so với ĐBSCL, khu vực vốn dĩ có mật độ đường thủy cao nhất nước. TP hiện đang có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương, với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100km.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nhìn nhận, hoạt động này sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Bởi vận tải thủy là phương thức vận chuyển có chi phí thấp hơn trên đường bộ hoặc đường hàng không.

Mặc dù điều kiện sông nước tự nhiên có nhiều thuận lợi, thế nhưng cho đến lúc này, giao thông vận tải đường thủy vẫn chưa phát triển tương xứng, bởi nhiều khó khăn nội tại. Một trong những khó khăn tiêu biểu là tình trạng vướng các công trình vượt sông, mà hầu hết các công trình vượt sông ấy đều được xây dựng từ lâu.

Thực tế này khiến cho năng lực vận tải đường thủy nội địa của TPHCM chỉ đạt 40% so với đường bộ. Không chỉ riêng TPHCM, mà tình trạng trên là thực trạng chung của cả nước.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, năm 2020, khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa đạt 337,1 triệu tấn, chiếm 19% toàn ngành, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 68,9 tỉ tấn, chiếm 20,3% toàn ngành là chưa như kỳ vọng.

Dự thảo có nhiều chính sách tháo gỡ

Để tháo gỡ các khó khăn, Sở GTVT cho rằng, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giao thông thủy nội địa. Đặc biệt là kinh phí cho các dự án cải tạo, xây dựng hệ thống kè chống sạt lở, chỉnh trang, nạo vét lòng sông.

Bởi thực tế tỷ trọng đầu tư cho đường thủy trong 5 năm gần đây chỉ bằng 5,4% so với đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ.

“Trong 5 năm qua, tổng vốn đã và đang đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy khoảng 1.488 tỉ đồng, trong khi con số đó dành cho đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ là 27.272 tỉ đồng. Điều đó rất khó để kiện toàn và phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông thủy của TP” - ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.

Bên cạnh những “nút thắt” trên, TP hiện cũng chưa có quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn. Chưa có cơ chế khai thác, phát triển kinh tế ven sông kênh rạch phục vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh trên sông và dọc sông…

Để phát triển tương xứng với tiềm năng, Bộ GTVT đã đề xuất dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa gồm 12 điều.

Theo đó, so với Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, dự thảo Quyết định mới có nhiều đề xuất khá đột phá về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giúp kết nối hiệu quả giao thông vận tải đường thủy nội địa với các cảng biển chính (nhằm phù hợp với thực tế); ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để giải quyết nút thắt, điểm nghẽn về tĩnh không cầu trên các hành lang vận tải thủy chính theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo trình Thủ tướng còn đề xuất miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước. Giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa. Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng container ở khu vực phía Bắc và khu vực ĐBSCL.

Dự thảo ưu tiên bố trí đất xây dựng cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa. Hỗ trợ giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu cho phương tiện thủy nội địa có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người.

Hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa có trọng tải từ 1.500 tấn trở lên, phương tiện thủy nội địa chở hàng container, phương tiện thủy nội địa thuộc đối tượng của Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu…