Thiệt hại cơ sở hạ tầng do biến đổi khí hậu gây ra rủi ro tài chính 'rất lớn'

Thiệt hại về nhà cửa và cơ sở hạ tầng do một cơn bão lớn tại tiểu bang Florida, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Qua đó, liên minh gồm hơn 30 quốc gia này lên tiếng thúc giục công tác quy hoạch tốt hơn trước thời tiết bất thường và tình trạng mực nước biển dâng cao, trong bối cảnh hành tinh ấm lên.

Theo ước tính của CDRI, thiên tai gây ra thiệt hại trung bình từ 732 tỷ USD đến 845 tỷ USD mỗi năm cho cơ sở hạ tầng và các tòa nhà, tương đương 14% mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2022.

Ông Amit Prothi, Tổng Giám đốc CDRI, đơn vị có trụ sở tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) cho rằng, những số liệu trong báo cáo vừa được công bố là “đáng chú ý, vì chúng cho thấy rủi ro tài chính rất lớn mà chúng ta đang phải gánh chịu hiện nay do các hiểm họa thiên nhiên và những sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu”.

Được biết, ông Amit Prothi là một chuyên gia về quy hoạch đô thị, người đã làm việc tại hơn 15 quốc gia ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu.

Bên cạnh đó, CDRI đã được thành lập hồi năm 2019, với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc và thảm họa khí hậu. Đơn vị này đã sử dụng những mô hình rủi ro để tính toán thiệt hại do thiên tai, trong đó cũng bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng xã hội, chẳng hạn như trường học và bệnh viện, cũng như thiệt hại về kinh tế do tình trạng gián đoạn dịch vụ gây ra.

Mặc dù 1/3 các thiệt hại được ước tính là do những hiểm họa địa chất gây ra, như động đất hoặc sóng thần (không phải do khí hậu), nhưng các hiểm họa liên quan đến khí hậu lại gây ra thiệt hại trung bình hàng năm cao hơn trên tất cả các khu vực.

Cũng theo báo cáo của CDRI, đường bộ, đường sắt, viễn thông, điện và năng lượng tổng cộng chiếm khoảng 80% tổng thiệt hại hàng năm.

Các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Khoảng 30% tổn thất cơ sở hạ tầng hàng năm do các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, tương đương khoảng 280 tỷ USD, được gánh chịu bởi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, gây căng thẳng cho nền kinh tế của họ.

Tỷ lệ thiệt hại cao nhất được ghi nhận ở khu vực Nam Á, ở mức 0,42% GDP mỗi năm; và Mỹ Latinh và Caribe ở mức 0,22%.

Qua đó, báo cáo nói trên cảnh báo, nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tăng nhanh, các quốc gia nghèo hơn sẽ phải chịu “tác động lớn hơn đáng kể”. Với lượng khí thải cao thúc đẩy nhiệt độ tăng từ 3 - 4 độ C, tổn thất trung bình hàng năm có thể tăng 11% ở các quốc gia giàu có, so với 12 - 33% ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Đối với công tác quy hoạch tốt hơn, CDRI lưu ý, hầu hết cơ sở hạ tầng mới cần thiết cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để phát triển sạch vào năm 2050 vẫn chưa được xây dựng.

Theo đó, đến năm 2050, các quốc gia này sẽ cần mức đầu tư cơ sở hạ tầng hàng năm khoảng 2,9 nghìn tỷ USD, nhằm thu hẹp khoảng cách để đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời cắt giảm lượng khí thải xuống mức ròng bằng 0.

Mức đầu tư và tài chính khí hậu hiện nay “thấp hơn rất nhiều”, chỉ đạt khoảng 90 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2021.

Đáng chú ý, nhiều quốc gia nghèo hơn vốn đang gặp khó khăn do mức nợ cao phải gánh chịu trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và sửa chữa những thiệt hại về cơ sở hạ tầng do thiên tai gây ra, khiến ít quốc gia có thể thực hiện những khoản đầu tư mới.

Ngoài ra, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chỉ thu hút được 1/4 đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân trên toàn cầu, chủ yếu dành cho năng lượng không tái tạo và giao thông.

“CDRI đang làm việc với các quốc gia để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tạo ra một loạt các dự án thích ứng mà khu vực tư nhân có thể đầu tư”, ông Amit Prothi cho biết thêm.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Reuters & The Straits Times)