Vang mãi chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập, tự do' - Bài cuối: Kim chỉ nam trong hoạt động ngoại giao

Ngày 17/7/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra quyết liệt, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ngày nay, dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do. Tuy nhiên, để giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đặc biệt trong đường lối đối ngoại.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 - 1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN.

Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam, cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý vĩ đại cho Tổ quốc, trở thành mục tiêu tối thượng của dân tộc để từ đó làm nên một Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, buộc Mỹ phải rút quân vô điều kiện ra khỏi nước ta. Thành công trên mặt trận ngoại giao này đã dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, mùa của Bắc-Nam sum họp.

Tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định sự trường tồn của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” thông qua đường lối đối ngoại được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Cùng với đó, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đại hội cũng nêu rõ nhiệm vụ của đối ngoại là: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Đưa chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trở thành kim chỉ nam cho quá trình đấu tranh bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, công tác đối ngoại đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Biên giới trên bộ vừa là “phên dậu” bảo vệ quốc gia, vừa là nhân tố quan trọng để bảo đảm quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Đến nay, gần 5.000 km đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với ba nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia đã gần như hoàn tất phân định cắm mốc. Ngày 5/10/2019, Việt Nam ký kết hai văn kiện pháp lý với Campuchia ghi nhận hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc cho khoảng 84% tổng chiều dài biên giới hai nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực bền bỉ của hai nước trong nhiều thập niên qua, nhằm giải quyết thỏa đáng, công bằng những tồn tại lịch sử, hướng đến một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, làm cơ sở để hai nước phát triển quan hệ bền vững.

Công tác quản lý biên giới tiếp tục được chú trọng để duy trì trật tự trị an ở biên cương của Tổ quốc. Các lực lượng chức năng của ta đã chủ động phối hợp với các nước láng giềng triển khai công tác quản lý biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý và thỏa thuận liên quan.

Công tác đối ngoại cũng đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông tiếp tục là cơ sở thực tiễn và pháp lý để Việt Nam đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.

Việt Nam vừa tăng cường và mở rộng các hình thức hợp tác với các đối tác ở Biển Đông và ở quốc tế, vừa mở được các đàm phán về phân định biển với hầu hết các nước ở Biển Đông. Việt Nam đã kịp thời lên tiếng và có các biện pháp cụ thể trên thực địa, biện pháp về thông tin và truyền thông, vận động được sự ủng hộ ngày càng thiết thực của quốc tế đối với vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định, hợp tác trên Biển Đông và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của ta trên biển.

Trên thực tế, với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, công tác ngoại giao đã có những đóng góp cụ thể vào việc thực hiện những mục tiêu lớn của đất nước, đó là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), thấm nhuần bài học về đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, cùng với đó là việc quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối của Đảng, Nhà nước, tất cả các vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam được ngành ngoại giao quán triệt và thực hiện xuyên suốt với phương châm hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển tinh thần thiện chí, xây dựng, thượng tôn pháp luật.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. Điều này đã tạo được sự đồng thuận rất lớn và sự ủng hộ của người dân trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự kế thừa và phát huy giá trị của chân lý vĩ đại “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Thu Phương (TTXVN)