Vị Xuyên và bài học để lại

Bà Nguyễn Thị Choòng (Thanh Thủy, Hà Giang) chỉ vào vị trí nơi mảnh đạn pháo xuyên qua lồng ngực đứa con gái. Ảnh: Đức Hoàng.

Ngày 12/7 hàng năm được lấy làm ngày kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên. Cho đến năm 1989, hơn 50 vạn quân Trung Quốc đã tiến công toàn diện vùng biên giới này, hơn 2 triệu quả đạn pháo bắn vào vùng Hà Giang, Tuyên Quang.

Hàng nghìn thanh niên Việt Nam đã đi về phía những “lò vôi thế kỷ”, “đồi thịt băm” mà không có ngày về.

Nhưng cũng như mọi sự kiện lịch sử khác, mỗi lần nhìn lại, không phải chỉ để bàn về những đau thương, mất mát, mà còn để trả lời câu hỏi: Bài học nào để lại?

Nếu tìm kiếm các phân tích về cuộc chiến, kèm từ khóa “lessons”, tất cả những gì bạn nhận được là các phân tích về địa chính trị, các toan tính của Đặng Tiểu Bình, của Carter và những hệ quả.

Nhưng bức tranh vĩ mô không phải là tất cả câu chuyện. Thậm chí, có thể nói rằng các tính toán vĩ mô của giới đầu sỏ chính trị thế giới lúc ấy, Mỹ và Trung Quốc, đã trượt đi và thất bại vì nghị lực và mong muốn của những con người bình thường.

Những người đã chiến đấu trong các cuộc chiến tranh và xung đột biên giới phía Bắc, từ 1979 đến 1984, không chỉ có bộ đội chính quy Việt Nam. Hàng vạn đồng bào vùng biên giới cũng đã tham gia vào cuộc chiến, và đưa nó đến thắng lợi.

Họ là những cô cậu dân quân người Nùng, người Tày, cầm súng chiến đấu bên cạnh bộ đội. Họ là những trung niên đã bỏ lại tuổi thanh xuân tại chiến trường miền Nam Việt Nam, vừa trở về chưa kịp tận hưởng hòa bình, đã lại đi vót chông cắm dọc biên giới. Họ là những bà mẹ đã gánh con trên vai, bỏ lại phía sau ngôi làng đang cháy.

Họ tham gia cuộc chiến, không phải chỉ bằng cách cầm súng bắn về phía kẻ thù, mà còn bằng một sự nhẫn nại và khả năng chịu đựng nghịch cảnh đã thành truyền thuyết. Nhìn từ ảnh vệ tinh, biên giới Thanh Thủy-Vị Xuyên là vùng núi, có lẽ là hiếm hoi trên thế giới, mà mật độ màu xanh tăng lên từ thập kỷ 80 đến 90.

Thập kỷ 80, đạn pháo Trung Quốc cào những ngọn núi nơi này thành đá trắng xóa. Đồng bào trở lại từ vùng sơ tán, dựng lại làng, gieo lại nương, trồng lại cây rừng, biến mảnh đất đầy máu trở thành khung cảnh phì nhiêu mà bạn sẽ thấy bây giờ, khi đi dọc đường 20 tháng 8 từ thành phố Hà Giang lên cửa khẩu Thanh Thủy.

Khi nói chuyện với những con người này về lịch sử, họ sẽ tự đưa cho bạn một mốc thời gian: “Tiết thanh minh năm 1984”. Đó là rạng sáng ngày 2/4/1984, đầu tháng Ba âm lịch. Một cơn mưa đạn pháo đỏ trời từ Trung Quốc bắn sang. Đó là Tết Thanh minh. Đồng bào đang nấu xôi, đã làm bún, đã giết vịt, chờ ăn cái Tết truyền thống. Họ đánh dấu lịch sử bằng một khung cảnh đời sống thường ngày của họ.

Họ đánh dấu lịch sử bằng bữa ăn chưa kịp nuốt ngày hôm ấy. Một người trung niên ở Thanh Thủy, sẽ tự kể với bạn chính xác thực đơn họ đang chuẩn bị. Nhà này làm xôi. Nhà kia vừa giết vịt, bún cũng tự làm. Họ tự kể mà không cần bạn hỏi, như thể là sự tiếc nuối bữa ăn đó vẫn còn nguyên từ ngày hôm qua.

Đó là những thứ mà họ bảo vệ. Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 luôn được mô tả, ngay cả trong các tài liệu giàu tính chính trị nhất, là sự vận động của những con người bình dị và mong muốn bảo vệ mái nhà, bữa ăn hay đàn con của họ.

Một nền văn hóa khác có thể đề xuất nhiều giá trị vô hình khác – đơn cử như đức tin tôn giáo, hoặc ý thức về sắc tộc – để tạo ra sức mạnh chiến đấu. Nhưng trong nền văn hóa này, trong suốt chiều dài của văn học, văn hóa truyền thống, hay cả văn kiện, bộ chuyển đổi làm việc bằng miếng cơm manh áo của người dân.

Các ý thức hệ, hay là các “mục tiêu chính trị” chỉ thành công trên mảnh đất này khi nó có thể được phiên dịch thành những mái nhà gianh, rặng cây ăn quả, cá dưới ao hay những mảnh vườn đầy ắp vịt gà.

Bạn có thể cho rằng điều này là hiển nhiên; nhưng nếu không nhập tâm, sẽ có đôi lúc, ở đây hay ở kia, bạn bắt gặp những mục tiêu vĩ mô hoàn toàn không thể phiên dịch thành cơm nếp gạo mới, bún rối và vịt nấu măng.

Không thể phiên dịch thành bữa cơm tấm áo của người dân thường, không có động lực và huy động được sức mạnh. Không ai có quyền nói một thứ gì đó là mục tiêu “vì nó là mục tiêu” (được đặt ra); “vì nó là nhiệm vụ” (trên văn bản).

Nếu bạn ngồi dưới một mái nhà sàn ở Vị Xuyên, Hà Giang; hay một ngôi nhà đất ở Cao Lộc, Lạng Sơn; và nhìn sâu vào mắt những người đã giữ đất năm xưa ấy, bạn sẽ rất khó nhìn thấy một anh hùng theo mô thức văn học: một người chiến đấu vì ý thức về dòng chảy của lịch sử và mong muốn điều chỉnh dòng chảy đó. Hoặc bạn vẫn có thể gọi họ là anh hùng vì lòng tôn kính. Nhưng anh hùng này, vẫn sẽ bàn với bạn về bún vịt nấu măng.

Đức Hoàng