Tháo gỡ những khó khăn phát sinh do dịch Covid-19

Chủ động nhiều nguồn cung cấp vắc xin Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1-2021, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã xác định trúng ổ dịch ở hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Trong số các ca bệnh, qua phân tích bệnh phẩm của bệnh nhân số 1.660, Bộ Y tế xác định đây là chủng mới của SARS-CoV-2 ở nước Anh, có khả năng lây lan nhanh. Về việc tập trung khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, các cơ quan chức năng đã kịp thời khống chế, không cho dịch lan rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Về vắc xin phòng ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã thỏa thuận về nguyên tắc với đơn vị cung cấp vắc xin của nước Anh, trong năm 2021, sẽ cung cấp 30 triệu liều vắc xin cho Việt Nam và nỗ lực đưa vắc xin về trong quý I-2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiến hành đàm phán thêm với các nhà cung cấp vắc xin từ Nga, Mỹ và Trung Quốc. Các đối tượng được tiêm phòng khi vắc xin được nhập về là cán bộ y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; người cao tuổi, có bệnh nền và một số đối tượng khác.

Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022, sẽ có vắc xin sản xuất trong nước. “Với 2 nguồn cung cấp nêu trên, chúng ta kỳ vọng sẽ có đủ vắc xin để tiêm phòng cho cộng đồng”, ông Trần Văn Thuấn nói.

Thông tin thêm về vắc xin Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sản xuất trong nước chưa đáp ứng thì phải ưu tiên nhập khẩu, khi nào sản xuất được vắc xin chất lượng tốt thì phải ưu tiên sử dụng vắc xin trong nước.

Toàn cảnh họp báo.

Không “ngăn sông, cấm chợ” trong lưu thông hàng hóa

Thông tin về việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải cho biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu.

“Việc này không chỉ thực hiện ở các thành phố lớn, mà vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những tỉnh, thành phố xảy ra dịch bệnh cũng phải bảo đảm có đầy đủ hàng hóa dịp Tết”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, người nông dân ở vùng xảy ra dịch bệnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tập trung vào việc chống dịch để không lây lan sang các vùng khác nhưng không để xảy ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”…

Về việc đề nghị xét nghiệm Covid-19 cho 3.200 nhân viên có ảnh hưởng đến hoạt động tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài hay không, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các quy định về phòng, chống dịch tại đây đều được thực hiện nghiêm túc, hoạt động của sân bay không bị ảnh hưởng. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải có thể điều tiết nhân viên từ các cảng hàng không khác để bảo đảm hoạt động của sân bay Nội Bài.

Về việc thành phố Hà Nội có thiết lập giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ, giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn.

Mai Hữu