Thầy trò thời 4.0: Thay đổi để thích ứng

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bước vào giai đoạn bùng nổ, với trọng tâm là công nghệ thông tin và Internet kết nối vạn vật. Điều này đang đặt ra những thách thức mới, đưa ra nhiều yêu cầu đối với quá trình học tập và rèn luyện trong môi trường đại học, đòi hỏi mỗi người phải chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng để chủ động bước vào “sân chơi” của tri thức và công nghệ. Là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước, đội ngũ giảng viên và sinh viên ái Nguyên không nằm ngoài "cuộc đua" này.

Sinh viên tham gia hoạt động phong trào tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng Bùi Thị Hải Yến, sinh viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên), đã sáng tạo ra PBL GAME - một trò chơi điện tử nhập vai, trong đó, người chơi sẽ vào vai một bác sĩ thực tập tham gia học tập tại bệnh viện với mục tiêu trở thành bác sĩ.

Khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ phải vận dụng kiến thức của mình để đưa ra các chẩn đoán, chỉ định và phác đồ điều trị hợp lý, giúp giải quyết các vấn đề của bệnh nhân. Với tính giải trí, kích thích của trò chơi điện tử, PBL GAME được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên tiếp cận và thực hành các khía cạnh khác nhau của việc chăm sóc bệnh nhân mà không gây bất tiện cho người bệnh.

Đây cũng được xem như một lựa chọn đầy hứa hẹn để làm phong phú thêm các phương pháp giảng dạy hiện tại. Em Bùi Thị Hải Yến chia sẻ: Thông qua ứng dựng này, các bạn sinh viên có thể nâng cao kiến thức, kỹ năng và tự tin hơn khi tiếp nhận những ca lâm sàng thực tế trong quá trình hành nghề sau này.

Còn với Hoàng Đức Chung, từ chỗ xác định lựa chọn một ngành học liên quan đến công nghệ để "đón đầu" xu thế phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, em đã chọn ngành Kỹ thuật máy tính tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái nguyên). Đây cũng chính là ngành đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn.

Chung cho hay: Để sẵn sàng đáp ứng những tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng sau khi ra trường, em đã chủ động tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường, cuộc thi, dự án…. Đồng thời nâng cao trình độ tiếng Anh để có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, vì các tập đoàn nước ngoài có xu hướng đào tạo rất chuyên sâu về công nghệ máy tính, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI.

Mạch Thị Phương Thảo, sinh viên Khoa Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh: Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, chúng em còn quan tâm tìm hiểu để có thể sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng, từ đó vận dụng vào chuyên ngành học của mình.

Có thể thấy, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi sinh viên phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng mới, xây dựng được một phương thức tư duy mới, đánh thức khả năng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một thử thách với thế hệ sinh viên trong tương lai. Sẽ không còn kiểu học truyền thống mà thay vào đó, sinh viên phải làm việc nhiều hơn để theo kịp nền tảng công nghệ hiện đại, tích cực vận dụng kỹ năng và sáng tạo không ngừng.

Theo các chuyên gia, trước những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các điều kiện cần thiết đối với sinh viên là khả năng ngoại ngữ và phát triển kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm thuyết trình, quản lý thời gian, lập kế hoạch…).

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên tham gia nghiên cứu khoa học.

Không chỉ sinh viên phải thích ứng với xu hướng mới, các trường đại học cũng đang điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy. PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), cho biết: Để bắt kịp cuộc Cách mạng 4.0, Nhà trường đã áp dụng và kết hợp các phương pháp giáo dục mới nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy. Trường trang bị đầy đủ hệ thống máy tính, phòng thực hành, thư viện số, mạng Internet cho người học; đồng thời tăng cường giảng dạy về tư duy sử dụng công nghệ trong thời đại số.

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên phải tự học là chính, vai trò của giảng viên dần thay đổi từ người dạy sang người truyền cảm hứng, định hướng, dẫn dắt người học. Để làm được điều này, giảng viên phải giúp sinh viên điều chỉnh chất lượng và độ giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, phải là nhà giáo chuyên nghiệp có đầu óc mở, biết phê phán độc lập, hợp tác tích cực và điều giải giữa người học với những gì mà họ muốn biết.

Theo TS Trần Quang Quý, Phó Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên): Không giống như các chuyên ngành hàn lâm khác, ngành Công nghệ thông tin có đặc thù là thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì vậy, mỗi giảng viên phải bắt nhịp với cuộc sống số qua dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng số…

Cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra yêu cầu cao hơn cho người lao động. Nếu như trước đây, trọng tâm của giáo dục là có việc làm, tạo ra kiến thức thì nay phải là sáng tạo và kiến tạo giá trị. Sản phẩm giáo dục trước kia là những người lao động có kỹ năng, kiến thức, cao hơn là người tạo ra kiến thức thì trong kỷ nguyên 4.0, họ phải là những nhà sáng tạo và nhà khởi nghiệp. Nếu các trường đại học đáp ứng được yêu cầu này thì Cách mạng 4.0 chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách, bắt kịp xu thế đào tạo của khu vực và quốc tế.

TS Trần Quang Quý, Phó Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông: Sinh viên ngày nay có rất nhiều công cụ, công nghệ để hỗ trợ học tập như Chat GPT, Claude AI… Bên cạnh những tiện ích thì công nghệ cũng kèm theo không ít rủi ro trên không gian mạng. Do đó, mỗi sinh viên cần chọn lọc, tận dụng những công nghệ hữu ích và tự trang bị cho mình những kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian số.

Cũng theo TS Trần Quang Quý, hiện nay, khi gặp bất cứ một vấn đề nào trong cuộc sống, sinh viên đã quen với việc sử dụng công nghệ, Internet và vận dụng kiến thức, kỹ năng của bản thân để tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề. Trong học tập, sinh viên cũng hình thành thói quen học từ thầy cô, bạn bè hoặc từ Internet, mạng xã hội. Học tập gắn liền với thực tế, vì vậy phương pháp giảng dạy và nội dung giảng dạy của nhà trường cũng gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, sinh viên được tiếp cận nhiều hơn với những tiết giảng của các giảng viên là kỹ sư đến từ doanh nghiệp; các mô hình, thiết bị thực hành thí nghiệm được cập nhật để gần gũi với thực tế nhất; thời gian trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp của người học cũng nhiều hơn nhằm tăng tính thực tiễn trong đào tạo...

Anh Nghiêm Văn Long, Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Đoàn trường đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tập huấn về ứng xử có văn hóa, văn minh trên môi trường mạng. Từ đó giúp sinh viên nâng cao nhận thức về những tác động tích cực, tiêu cực của thời đại 4.0 và có cách ứng xử phù hợp trên mạng.

Có thể thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Chính vì vậy, ngay từ giảng đường đại học, sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào học tập, công tác và cuộc sống.

Trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bản thân mỗi sinh viên cần tự giác, chủ động, sẵn sàng học hỏi và đổi mới để trở thành nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo dự báo của tổ chức McKinsey được công bố năm 2018, đến năm 2030, 70% công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả các công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24%, ở Hàn Quốc là 22% và trung bình ở các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) sẽ là 14%.

Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.