Vì sao 'Kế hoạch Bắc Cực' của Nga - Trung Quốc khiến phương Tây giật mình?

Sau một khoảng thời gian thăm dò, có vẻ như Nga và Trung Quốc đã lên "kế hoạch Bắc Cực" để đẩy mạnh khai thác tiềm năng vận tải cũng như tài nguyên tại khu vực này.

Theo nhận định từ giới chuyên môn, thay đổi khí hậu khiến nhiệt độ tại Bắc Cực tăng mạnh và làm băng tan với tốc độ nhanh chóng và đang mở ra cơ hội cho những tuyến đường thương mại mới.

Tuy nhiên tình hình địa chính trị còn thay đổi nhanh hơn nhiều so với khí hậu, việc kiểm soát khu vực Bắc Cực thu hút sự chú ý của cả Nga và Trung Quốc, tạp chí The Economist nhận xét hai quốc gia sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm phục vụ lợi ích của mình.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, khi chiến sự Ukraine đang diễn ra căng thẳng và Moskva phải chịu vô số lệnh cấm vận, tham vọng sử dụng tuyến hàng hải Bắc Cực trong toàn bộ thời gian của năm và tạo ra “Con đường tơ lụa” mới dường như khó thành hiện thực.

Hơn nữa nếu Trung Quốc quyết định dành sự hỗ trợ cho Liên bang Nga sẽ càng củng cố thêm thái độ ngờ vực của phương Tây đối với cường quốc châu Á này, và họ có thể sẽ đưa ra nhiều bước đi cứng rắn.

Nhưng rõ ràng Trung Quốc sẽ không bỏ qua mối lợi có thể thu được ở Bắc Cực, bởi vì Bắc Kinh đã nhìn thấy cơ hội để tăng cường ảnh hưởng cũng như khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào tại đây.

Giới quan sát nhận xét, với tình hình hiện tại, thật khó để tưởng tượng dự án "Con đường tơ lụa Bắc Cực của Trung Quốc", được trình bày vào năm 2017, khi điều kiện địa chính trị hoàn toàn khác sẽ phát triển ra sao.

Cần nhấn mạnh, đây rõ ràng là một ý tưởng tuyệt vời tại thời điểm đó, bởi nếu sử dụng Tuyến đường biển Bắc Cực, hàng hóa từ Thượng Hải đến Hamburg sẽ chỉ mất 18 ngày so với khoảng 35 ngày như hiện tại khi đi qua Kênh đào Suez.

Tuyến đường mới còn tránh được rủi ro như sự cố gây tắc nghẽn Kênh đào Suez, hoặc những cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Houthi buộc tàu hàng phải vòng qua Mũi Hảo Vọng, từ đó khiến thời gian cũng như chi phí tăng vọt.

Nhưng cần phải lưu ý, con đường hàng hải đến châu Âu lại chạy qua vùng lãnh thổ do Liên bang Nga tuyên bố toàn quyền áp đặt luật lệ, còn bản thân Trung Quốc đang trong tình trạng "Chiến tranh lạnh" với EU.

Căn cứ vào tình hình thực tế, bản kế hoạch của Bắc Kinh với hy vọng tạo ra một cửa ngõ nối từ châu Á đến châu Âu sẽ khó lòng trở thành hiện thực trong tương lai trước mắt nếu Moskva không đồng tình.

Như ấn phẩm The Economist viết, Nga đã từng cảnh giác khi Trung Quốc muốn tham gia phát triển Bắc Cực, nhưng hiện tại Moskva lại hoan nghênh sự giúp đỡ từ Bắc Kinh trong bối cảnh rạn nứt với châu Âu.

Các chính phủ phương Tây từ lâu đã cảnh giác với những bước đi của Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực, bởi vì họ lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của hai đối thủ trong khu vực nhạy cảm sẽ mang tới nhiều nguy cơ về chính trị và kinh tế.

Đáng ngại hơn, kế hoạch khai thác Bắc Cực vì mục đích kinh tế sẽ tạo cơ hội cho sự hiện diện quân sự dưới danh nghĩa "đảm bảo an ninh" bởi vậy rõ ràng phương Tây cần phải tăng cường cảnh giác hơn nữa.